84SPACE.COM

PERFORMANCE: Triển lãm “Đối thoại” - Nhóm De.lac

30/06/2024
Trần Trung Trần Trung
 “Đối thoại” cùng De.lac, triển lãm đầu tay của nhóm nghệ sĩ trẻ thực hành nghệ thuật xoay quanh chủ đề sơn mài.
 Khai mạc ngày 29 tháng 6 tại đình Nam Hương, triển lãm gồm 23 tác phẩm trong đó có tranh, tác phẩm sắp đặt và vật thể sơn mài. “Đối thoại” là quá trình trao đổi thông tin nghiên cứu trong từng lĩnh vực riêng, được thể hiện qua việc sáng tác nghệ thuật và là phương tiện giao tiếp giữa các thành viên của De.lac (Design & Laquer / Thiết kế & Sơn mài). Triển lãm vừa đánh dấu sự ra mắt của De.lac, vừa là một báo cáo nghệ thuật tổng kết quá trình hoạt động và nghiên cứu sau hơn 2 năm làm việc chung của nhóm.
 16 bức tranh sơn mài ra đời trong bối cảnh Nguyễn Quang Vũ và Trương Hoàng Hải làm việc chung xưởng trong một thời gian dài và ảnh hưởng bởi góc nhìn đa ngành của nhau. 2 tác phẩm sắp đặt và 5 vật thể sơn mài còn lại vừa đánh dấu sự góp mặt của Nguyễn Đoàn Quang Huy và đào sâu hơn vào ý nghĩa của việc đối thoại nghệ thuật, vừa là một thử nghiệm trong việc lựa chọn và xây dựng chất liệu nền cho sơn mài cũng như mong muốn tích hợp công nghệ trong quá trình sáng tác và thể hiện.
 Từ 100 đến 100 triệu (I) là một tác phẩm sắp đặt của Trương Hoàng Hải được hoàn thiện từ 2022. Tác phẩm bao gồm 100 quả trứng sơn mài làm từ cốt gỗ lim và được khắc chữ “nhân loại” bằng 130 thứ tiếng khác nhau, được đặt trên một diện tích phẳng phủ đầy thóc và rơm. Tác giả mượn tích “Con Rồng cháu Tiên” nói về cội nguồn tộc người Việt được sinh ra từ 100 quả trứng để thể hiện một sự quan sát về vấn đề dân số. Sinh ra từ 100 quả trứng, nay dân số Việt Nam đã đạt mốc gần 100 triệu người.
 “Mượn chuyện của người Việt, tác phẩm muốn nói chung về nguồn gốc loài người, từ việc sản xuất lương thực (chăn nuôi, nông nghiệp hay con gà, hạt thóc) rồi gia tăng dân số, phát triển thành bầy người, phát minh chữ viết và thành lập nhà nước.100 quả trứng được làm bằng sơn mài giả chất đá được xếp thẳng hàng trên một mặt phẳng, thể hiện một thế giới được gắn kết với nhau nhờ sự toàn cầu hóa” - Trương Hoàng Hải
 Trong triển lãm lần này, từ 100 đến 100 triệu (II) có thêm sự góp mặt của Nguyễn Quang Vũ trong việc tái hình dung phương tiện bệ đỡ, anh đã thay thế thảm rơm và thóc trong phiên bản đầu bằng một thảm rêu và phân bổ số trứng thành từng cụm như một bản đồ phân bố dân cư, đem lại một góc nhìn mới cho tác phẩm.
 Trong nhóm vật thể sơn mài có “Bình chân như vại”, “Đối thoại”, “Guốc ”, “Tân giao” và “Bình minh, Hoàng hôn”. Một tác phẩm đặc biệt là bình gốm “Đối thoại” - một vật nắm giữ tinh thần của triển lãm, với mục đích trở thành một chất bán dẫn cho tư duy nghệ thuật của Nguyễn Quang Vũ và Trương Hoàng Hải, hai người thống nhất với nhau một khoảng thời gian và luân phiên sáng tác, phát triển tác phẩm theo hướng đi và góc nhìn của riêng mình. Quá trình này được họ thực hiện liên tục hơn 8 lần trước khi xuất hiện tại triển lãm, và vẫn sẽ còn tiếp tục sau khi triển lãm kết thúc. Việc thực hành đối thoại nghệ thuật tương tự xảy ra với quá trình tạo nên hai tác phẩm “Bình chân như vại” và “Guốc”. Trong đó “Guốc” là sự tương tác với một đồ vật sẵn có, một đồ lưu niệm đã không còn được sử dụng từ lâu, nay khoác lên mình một hình hài mới từ sơn mài, còn “Bình chân như vại” là tác phẩm ra đời bởi sự tùy hứng và tâm lý bình thản trong cuộc sống của cả ba thành viên, với Vũ và Hải khắc và làm sơn mài trên gốm cho phần “bình”, Nguyễn Đoàn Quang Huy (Huymi) tạo hình và in 3D nắp đậy cho phần “chân”.
 Ba tác phẩm còn lại in đậm sự xuất hiện và góp mặt của Nguyễn Đoàn Quang Huy trong dự án. Trong hai tác phẩm “Tân giao” và “Bình minh, Hoàng hôn”, Huymi tạo nên phần cốt (tạo hình và in 3D bằng nhựa tái chế) rồi truyền tay cho Trương Hoàng Hải để anh làm sơn mài lên và tạo thành tác phẩm hoàn chỉnh. “Tân giao” là một cuộc “giải phẫu đầu rồng thời Lý” khởi phát từ sự tò mò về giải phẫu sinh học của một loài sinh vật huyền thoại, còn “Bình minh, Hoàng hôn” là một thử nghiệm trong việc xây dựng cơ chế hoạt động cho một chiếc đèn bàn tích hợp và hoạt động dựa trên cảm biến chuyển động. Tác phẩm sắp đặt “Song mão phiêu lưu ký” gồm một bộ 1 tranh sơn mài do Vũ và Hải sáng tác, được gắn lên một tấm bảng gỗ lớn rồi chuyển qua cho Huymi để thử nghiệm công nghệ 3D mapping, trình chiếu hình ảnh lên bề mặt tranh và tạo thành một câu chuyện được kể qua các không gian trong tranh. Sự tham gia của Huymi vào De.lac làm cho đội hình trở nên hoàn chỉnh, nghệ thuật sơn mài truyền thống đã được kết hợp với công nghệ hiện đại, mở ra nhiều cơ hội và hướng phát triển mới cho dự án.
De.lac: Tham vọng đưa công nghệ vào nghệ thuật truyền thống
Khai mạc Triển lãm "Đối Thoại"