84SPACE.COM

De.lac: Tham vọng đưa công nghệ vào nghệ thuật truyền thống

22/06/2024
Hồng Hạnh Hồng Hạnh
Trần Trung Trần Trung
De.lac (Design n Lacquer - thiết kế và sơn mài) là một nhóm nghệ thuật kết hợp sơn mài với đa dạng các loại hình, chất liệu nghệ thuật khác nhau. Trong đó tiêu biểu như: Video Art, Sound Art, Sắp Đặt, Tượng in 3D, đồ gốm, gỗ, nhựa… nhằm phát triển và ứng dụng truyền thống vào cuộc sống hiện đại.

De.lac thành lập và điều hành bởi 3 thành viên là Nguyễn Quang Vũ, Trương Hoàng Hải và Nguyễn Đoàn Quang Huy từ năm 2022. Tuy nhiên cơ duyên để 3 mảnh ghép của De.lac hội tụ đã được hình thành từ 2013. Ngày ấy, Vũ và Hải quen nhau khi cùng tham gia lớp ôn thi vào trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam. Sau đó, Vũ theo học chuyên ngành Thiết kế, còn Hải học chuyên ngành Hội họa tại ngôi trường danh giá này.

Chân dung 3 thành viên là Nguyễn Quang Vũ, Trương Hoàng Hải và Nguyễn Đoàn Quang Huy của nhóm De.lac.
Chân dung 3 thành viên là Nguyễn Quang Vũ, Trương Hoàng Hải và Nguyễn Đoàn Quang Huy của nhóm De.lac.

Sau khi tốt nghiệp, Vũ và Hải có cơ hội làm việc chung tại xưởng vẽ sơn mài của họa sĩ Nguyễn Cương. Trong quá trình thực hành nghệ thuật, sự tương tác và trao đổi góc nhìn hội họa của cả hai đã đặt nền móng đầu tiên cho De.lac. Trong đó, Hải thiên về Lac (lacquer: sơn mài): với ưu điểm là kỹ thuật thể hiện; còn Vũ thiên về De (design: thiết kế).

Tuy nhiên De.lac chỉ thực sự hoàn thiện khi Huy - một nghệ sĩ làm 3D và Visual Art không hề liên quan tới sơn mài gia nhập, giúp các tác phẩm truyền thống được truyền tải theo cách hoàn toàn mới khi kết hợp với khoa học và kỹ thuật, cụ thể là hiệu ứng VFX (Visual Effects) và Video Art. Cũng từ đây, 3 cá tính khác biệt cùng nhau đồng hành, giúp De.lac phát triển theo hướng riêng khi kết hợp được nghệ thuật truyền thống với hơi thở thời đại mới.

De.lac hoạt động như một nhóm nghiên cứu, thử nghiệm với các chất liệu nghệ thuật truyền thống, tập trung chính là sơn mài Việt Nam với các chất liệu mới nhằm phát triển và ứng dụng truyền thống vào cuộc sống hiện đại.
De.lac hoạt động như một nhóm nghiên cứu, thử nghiệm với các chất liệu nghệ thuật truyền thống, tập trung chính là sơn mài Việt Nam với các chất liệu mới nhằm phát triển và ứng dụng truyền thống vào cuộc sống hiện đại.

Vũ - cá tính, nổi bật nhưng không “phiêu” khi làm sơn mài

Ngay khi tiếp xúc với Vũ, chúng tôi đều hiểu anh sinh ra để làm nghệ thuật. Ở Vũ có sự phóng khoáng, không ngại chia sẻ mọi góc nhìn cá nhân và đam mê của anh với việc sáng tạo. Thế nhưng ở tuổi còn trẻ, người họa sĩ cũng từng đấu tranh với chính mình khi luôn tự hỏi: “Liệu mình có thành công trên con đường này không?”. Dẫu vậy, sự trăn trở này cũng sớm được xóa mờ bởi ngọn lửa yêu nghề không chỉ đến từ nội tại, mà còn được thắp lên bởi những mối lương duyên xung quanh khi anh được gặp, được yêu lối sống và cách đối nhân xử thế của những người làm nghệ thuật.

Cá tính của Vũ cũng đặc sắc như các tác phẩm anh sáng tạo, lập tức thu hút người xem qua phong cách ấn tượng, nổi bật với tông màu sáng làm chủ đạo. Trong quá trình trau dồi nghệ thuật, Vũ đã khéo léo kết hợp gam màu ấn tượng đặc trưng với gam màu tối trong các tác phẩm sơn mài truyền thống nhằm tạo ra sự tương phản tối - sáng rất riêng. Vũ muốn người xem khi thưởng thức tác phẩm có thể thấy được một phần cuộc sống tươi trẻ, màu sắc không chỉ của riêng anh mà của cả De.lac.

Nét ẩn dụ đằng sau các tác phẩm của Vũ được lấy từ chính đời sống xung quanh, trong đó chủ yếu là lịch sử tôn giáo và lịch sử con người, thông qua việc nghiên cứu tri thức, tìm tòi về nguồn cội của văn hóa lịch sử. Ở thời điểm hiện tại, người họa sĩ chủ yếu lựa chọn việc kết hợp các họa tiết với nhau như: tính biểu tượng của hoa sen, thuật giả kim, các hoa văn theo nghiên cứu về lịch sử của Việt Nam và tôn giáo,... để tạo nên tác phẩm của riêng mình.

Vũ tâm sự rằng anh sinh trưởng trong cái nôi của nghệ thuật khi có ông, bố nuôi và bác đều là họa sĩ. Thế nhưng phải đến tận cấp 3, anh mới nhận ra mình thích vẽ thế nào để hạ quyết tâm theo đuổi con đường này
Vũ tâm sự rằng anh sinh trưởng trong cái nôi của nghệ thuật khi có ông, bố nuôi và bác đều là họa sĩ. Thế nhưng phải đến tận cấp 3, anh mới nhận ra mình thích vẽ thế nào để hạ quyết tâm theo đuổi con đường này

Vũ nhấn mạnh rằng vẽ với anh không phải câu chuyện “phiêu” theo bất cứ cảm xúc bộc phát nào mà cần tính toán rõ ràng, đặc biệt với sơn mài. Qua quá trình học hỏi và thực hành cùng Hải, Vũ hiểu rõ chất liệu này sẽ thay đổi theo môi trường tự nhiên.

"Muốn sơn mài khô bắt buộc cần một môi trường nồm ẩm nên cần chuẩn bị một phòng ủ riêng, hoặc cần điều kiện thời tiết thuận lợi. Ở xưởng, mình treo một đồng hồ báo ẩm để đong thời gian chuẩn cho việc ủ tranh. Đôi khi mình còn phải tự tay đổ nước nóng ra sàn để tạo hiệu ứng phun sương mới hong được tranh.

Để tạo ra một tác phẩm sơn mài cần rất nhiều chất liệu như vỏ trứng, màu, vàng, thiếc xay, nhựa,.... Thậm chí cả công đoạn toát sơn cũng cần giấy lọc cẩn thận, vắt sơn sao cho thật tinh, sau đó pha sơn đủ loãng để khi miết lên bề mặt tranh sẽ có độ bóng và độ mịn tuyệt vời. Cuối cùng là đánh bóng kỹ càng để cho ra tác phẩm hoàn thiện nhất. Quả thật cái hay của làm sơn mài truyền thống Việt Nam chính là việc “phiêu” nhưng vẫn đảm bảo được sự tính toán tỉ mỉ theo công thức bao đời nay” - Vũ tâm sự.

Khoảnh khắc Vũ sáng tác sơn mài.
Khoảnh khắc Vũ sáng tác sơn mài.

Con đường theo đuổi nghệ thuật của Vũ không chỉ gói gọn trong sáng tác trên sơn mài. Anh thoải mái để bản thân trải nghiệm rất nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau như: trợ lý stylist cho các bên chụp lookbook, stylist cho MV, art creator cho một số MV,... Trong khoảng thời gian “lăn lộn” này, Vũ phát hiện ra lối sống của những người trong đa dạng loại hình nghệ thuật đều cộng hưởng với nhau. Vì vậy, anh luôn muốn De.lac sẽ tạo được một môi trường sáng tạo, khuyến khích kết hợp các chất liệu và loại hình nghệ thuật tổng hợp, đặc biệt có sự tham gia của các nghệ sĩ khác nhau nhưng vẫn giữ vững được chất liệu và phương thức sáng tác nghệ thuật truyền thống.

Với Vũ, vẽ sơn mài là những trải nghiệm sáng tạo không ngừng nghỉ. Vì vậy dù gặp khó khăn khi theo học và phát triển nghệ thuật, nhưng chỉ cần có “ngọn lửa” thì việc theo đuổi và tìm hiểu không gì là không thể.
Với Vũ, vẽ sơn mài là những trải nghiệm sáng tạo không ngừng nghỉ. Vì vậy dù gặp khó khăn khi theo học và phát triển nghệ thuật, nhưng chỉ cần có “ngọn lửa” thì việc theo đuổi và tìm hiểu không gì là không thể.
Tác phẩm sơn mài của Vũ được trưng bày trong triển lãm đầu tay của De.lac.
Tác phẩm sơn mài của Vũ được trưng bày trong triển lãm đầu tay của De.lac.

Hải - hài hước, sắc bén và đậm chất nghiên cứu

Nếu lúc mới gặp, Vũ mang vẻ ngoài cá tính với lối thiết kế ấn tượng khi kết hợp cùng tông màu sáng, thì Hải là một người đòi hỏi cao trong học thuật dù anh rất hay cười và không ngại khuấy động bầu không khí. Nét vẽ trong các bức tranh của Hải thiên về hội họa, đa phần sử dụng màu tối để truyền đạt. Anh thích tận hưởng những nét vẽ có sự bóng bẩy của nước sơn nguyên bản, vì với anh, chỉ cần trộn sơn với nhiều màu sẽ khiến nó kém bóng và kém bền hơn nhiều.

Hành trình nghệ thuật của Hải thiên về nghiên cứu và ứng dụng những nghiên cứu đó vào trong nghệ thuật cá nhân hơn là sáng tác. Hải khiến chúng tôi ngạc nhiên khi tự làm ra dòng sơn của riêng mình với độ tươi mài cao mà vẫn bóng và bền; hay làm sơn mài trên giấy dó mà có thể mài được trong nước; và sơn mài trên nhiều chất liệu khác nhau như nhựa tái chế, lụa, da, kim loại… Không chỉ vậy, anh còn nghiên cứu ra giấy sơn mài có thể thay thế bề mặt vóc, có thể cho xuống nước và mài như một tấm vóc, giúp các họa sĩ thuận tiện hơn khi di chuyển tới những nơi sáng tác riêng.

Hải miệt mài thực hành nghệ thuật tại xưởng riêng.
Hải miệt mài thực hành nghệ thuật tại xưởng riêng.
Anh tỉ mỉ trong từng khâu nghiên cứu.
Anh tỉ mỉ trong từng khâu nghiên cứu.

Hải gặp không ít khó khăn khi nghiên cứu và điều chế ra dòng sơn riêng. Anh đọc rất nhiều sách cổ để tìm hiểu phương pháp của các cụ đi trước, kết hợp với kiến thức của Nhật Bản, Trung Quốc và các nghiên cứu khoa học để rút ra cái tinh túy nhất. Cuối cùng, anh tiến hành thử nghiệm bằng cách chiếng sơn (đánh sơn) lên miếng tre nhỏ. Anh chiếng miệt mài từ vài chục đến cả trăm mẫu để so sánh độ trong, độ bóng, độ cứng và khả năng khô của sơn trong điều kiện nhất định. Hải cứ thử và sai hết lần này tới lần khác thì mới ra thành phẩm ưng ý.

Tính nghiên cứu của người nghệ sĩ còn thể hiện rất rõ nét khi nội dung trong các tác phẩm của anh đa phần nghiêng về tự nhiên, lịch sử, quá trình tiến hóa của sự sống, ngôn ngữ và con người. Thậm chí anh còn thừa nhận bản thân đam mê nghiên cứu hơn cả sáng tác:

"Đam mê nghiên cứu đến với mình rất tự nhiên. Chỉ là trong quá trình tìm hiểu và nghiên cứu tư liệu, mình phát hiện ra rất nhiều điều thú vị mà mình chưa thấy bao giờ. Những điều này hấp dẫn mình, cho mình thấy những khả năng mới của chất liệu sơn mài khi không chỉ trong lĩnh vực nghệ thuật mà còn là vật liệu có tính ứng dụng rất cao trong cuộc sống. Ngoài ra, việc nghiên cứu cũng mất nhiều thời gian, nên vô hình chung không rõ từ bao giờ, mình vẽ ít đi và tập trung nghiên cứu nhiều hơn". - Hải tâm sự.

Hải cho biết mình không lấy những tư liệu liên quan hội họa, mà lấy cảm hứng từ đời sống thực, sau đó bóc tách và đưa vào tác phẩm.
Hải cho biết mình không lấy những tư liệu liên quan hội họa, mà lấy cảm hứng từ đời sống thực, sau đó bóc tách và đưa vào tác phẩm.
Tác phẩm của Hải đa phần dùng màu tối để thể hiện. Tuy nhiên trong quá trình sáng tác cùng Vũ, cả hai sẽ có sự “lây nhiễm” phong cách của nhau.
Tác phẩm của Hải đa phần dùng màu tối để thể hiện. Tuy nhiên trong quá trình sáng tác cùng Vũ, cả hai sẽ có sự “lây nhiễm” phong cách của nhau.

Tính nghiên cứu của Hải đã được thể hiện trong rất nhiều tác phẩm. Trong một triển lãm tại Văn miếu, người họa sĩ đã lập tức gây ấn tượng với người xem khi trưng bày tác phẩm “Nền” với hơn 7000 ký tự để sáng tác. Tác phẩm ý nghĩa nhất Hải sẽ trưng bày trong triển lãm đầu tay của De.lac sắp tới có tên "100 tới trăm triệu". Tác phẩm bao gồm 100 quả trứng sơn mài được khắc chữ "nhân loại" bằng 130 thứ tiếng khác nhau, được đặt trên một diện tích phẳng phủ đầy thóc và rơm. Hải mượn câu chuyện của Lạc Long Quân và u Cơ khi sinh được 100 người con để nói về vấn đề dân số.

Huy - tự do, sáng tạo, đem khoa học và kỹ thuật vào truyền thống

De.lac chỉ thực đầy đủ khi có sự xuất hiện của Huy - nghệ sĩ sử dụng hiệu ứng VFX (Visual Effects), Video Art để truyền tải các tác phẩm sơn mài của Vũ và Hải theo cách hoàn toàn mới.

*VFX - đầy đủ là Visual Effects là quá trình tích hợp các cảnh quay mà ngoài đời thực không thể thực hiện được bằng cách tạo ra hoặc thêm các hiệu ứng hình ảnh để nâng cao chất lượng Video.

Trước khi tham gia hoạt động nghệ thuật chung, Vũ đã có cơ duyên đóng "cameo" trong dự án Tốt nghiệp của Huy. Vũ đùa rằng nhờ anh mà Huy mới trở thành Thủ khoa đầu ra của trường Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Cũng từ ấy, tình bạn của cả hai khăng khít, thường xuyên trao đổi những góc nhìn nghệ thuật riêng. Sau đó, Huy quyết định tham gia De.lac khi Vũ đề nghị về đội để "làm một cái gì đó".

Huy từng đảm nhận vai trò VFX cho MV "Tan vỡ" của rapper Double2T và MV "Tell the kids i love them" của rapper Obito.
Huy từng đảm nhận vai trò VFX cho MV "Tan vỡ" của rapper Double2T và MV "Tell the kids i love them" của rapper Obito.

Dù không liên quan gì tới sơn mài nhưng quá trình làm việc của “tam giác” De.lac rất hòa hợp: "Mình không gặp chút khó khăn nào khi làm việc với Hải và Vũ, giống như 2 mảnh ghép khác biệt đập vào nhau và khớp lạ thường.

Bọn mình không cần một quy trình cụ thể nào để sáng tác. Mọi thứ xuất phát từ một ý tưởng của cả ba người, sau đó mình vẽ ý tưởng này thành vật thể 3D trên máy, hiện thực hóa nó để hai anh (Vũ và Hải) có thể hoàn thiện bằng cách sử dụng sơn mài".

Điều vui nhất khi làm việc cùng Hải và Vũ là Huy được thoải mái thử nghiệm những thứ mới như: cơ khí điện, lập trình,... bên cạnh những nét vẽ bay bổng. Những trải nghiệm mới mẻ này tạo nên sự hứng thú vô tận trong hành trình sáng tác của người nghệ sĩ.

Quá trình thử nghiệm khoa học và kỹ thuật vào sáng tác của Huy. Việc hiện thực hóa ý tưởng trong đầu khiến anh cảm thấy rất thoải mái và hạnh phúc.
Quá trình thử nghiệm khoa học và kỹ thuật vào sáng tác của Huy. Việc hiện thực hóa ý tưởng trong đầu khiến anh cảm thấy rất thoải mái và hạnh phúc.

Với Huy, De.lac là một sân chơi độc đáo, nơi anh có thể thỏa sức nghĩ, thử nghiệm và làm ra những tác phẩm kết hợp với sơn mài mà anh sẽ không có cơ hội làm được ở một nhóm nào khác.

Theo đuổi con đường làm một nghệ sĩ 3D và Visual Art nên các tác phẩm của Huy mang nhiều tính khoa học và kỹ thuật. Cá tính tự do, thoải mái của người nghệ sĩ thể hiện rõ trong từng chất liệu anh sử dụng khi không giới hạn mình trong một tông màu chủ đạo nào. Anh thường chọn các màu rất cơ bản như: đỏ, xanh, vàng để sáng tác, gọt giũa tỉ mỉ nhằm tạo ra sản phẩm ưng ý.

De.lac - Tham vọng đưa công nghệ số vào nghệ thuật truyền thống

Trước khi làm việc chung, các tác phẩm của Hải có tông màu tối với nét vẽ thiên về hội họa; còn Vũ thiên về tông màu sáng với thiết kế thiên về ấn tượng. Tuy nhiên sau khoảng thời gian thực hành nghệ thuật cùng nhau, cả hai đều "lây nhiễm" phong cách của đối phương. Tác phẩm của Vũ có thêm tông màu tối nền nã, tác phẩm của Hải thêm các mảng màu tươi sáng đan xen. Và khi Huy gia nhập, sự “sáng - tối” hòa hợp trong sơn mài và trong phong cách của Vũ và Hải được hoàn thiện và mang thêm hơi thở hiện đại của thế hệ mới.

De.lac gọi đây là tính “Đối thoại” - chìa khóa giúp 3 thành viên cùng nhau sáng tạo, cùng nhau tiến gần hơn tới việc ứng dụng sơn mài truyền thống với cuộc sống đời thường, qua đó gìn giữ được giá trị cổ truyền bền vững với dòng chảy của thời gian. De.lac quan niệm nghệ thuật không chỉ là những điều xa xỉ mà có cả những tác phẩm mọi người có thể hiểu, có thể sử dụng được. Đấy cũng là sợi dây liên kết chính để 3 thành viên tạo ra De.lac và phát triển nghệ thuật trong tương lai.

Một trong những tác phẩm được trưng bày trong triển lãm đầu tay của De.lac
Một trong những tác phẩm được trưng bày trong triển lãm đầu tay của De.lac

Trong thời gian sắp tới, De.lac sẽ chính thức ra mắt với triển lãm đầu tay có tên “Đối thoại”. Với De.lac, ý nghĩa của “Đối thoại” không chỉ là sự biểu đạt bằng lời nói, vì từ xưa tới nay, con người không chỉ sử dụng ngôn ngữ dưới dạng âm thanh và hình ảnh để đối thoại. “Đối thoại” là quá trình trao đổi thông tin nghiên cứu trong từng lĩnh vực riêng, là ngôn ngữ nghệ thuật, là việc sáng tác trong những tác phẩm. Xa hơn nữa,“Đối thoại” là sự kết nối từ nghệ thuật truyền thống tới nghệ thuật số ngày nay.

Thông tin chi tiết về triển lãm quý khán giả có thể theo dõi tại fanpage của Họa kể: www.facebook.com/84spacevn

Một số tác phẩm của De.lac:

Hồng Hạnh

Tác giả bài viết

“Mong bài viết lưu giữ được một phần cuộc đời của bạn”

Trần Trung

Photographer

"Đang lớn lên và đang học hỏi."