Tử Mộc Trà là nghệ danh Phạm Thuỳ Dương tự đặt cho chính mình. Lem là cái tên bạn bè thân thiết gọi người nghệ sĩ trẻ mới tốt nghiệp khoa đồ hoạ của trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Cô là sinh viên cuối 9x hiếm hoi bám trụ với nghề - làm nghệ thuật chuyên nghiệp theo đúng những gì cô được đào tạo.
Hành trình nghệ thuật của Tử Mộc Trà dưới tư cách của một chuyên môn được đào tạo bài bản bắt đầu từ những suy tư của cô về mối quan hệ giữa mình với bạn bè, và sau đó là giữa mình với chính mình.
Cô gái Thuỳ Dương của cấp 3 từng bị bắt nạt trực tuyến, có lẽ một phần vì sở thích và tính cách của cô không giống ai trong số bạn bè đồng trang lứa.
Kỷ niệm không vui ấy hoá ra lại là cú hích để cô đi theo con đường nghệ thuật như ngày hôm nay.
Cô tìm thấy sự giải thoát ở lớp luyện thi vào trường Yết Kiêu. Nơi cô mong muốn một không gian cởi mở hơn với thể hiện cá nhân. Và khi ánh nhìn, cây bút, và chất liệu chạm lấy nhau, Tử Mộc Trà tìm thấy con người mình.
Nhưng thực ra con đường nghệ thuật của Lem dài hơn rất nhiều so với tấm thảm Đại học Mỹ thuật Việt Nam trải sẵn.
Hành trình dệt nên nghệ thuật
Khi lắng nghe Lem say sưa kể về hành trình nghệ thuật của cô, và xem các tác phẩm nghệ sĩ Tử Mộc Trà từng thực hiện với motif dệt vải, chúng tôi cùng đồng ý với nhau rằng bản thân tác phẩm là phép ẩn dụ cho cuộc đời cô. Bắt đầu từ hình ảnh người phụ nữ vùng cao chuẩn bị công đoạn đầu tiên cho đến kết thúc là các hoa văn hoạ tiết tinh xảo, nghệ thuật của Lem được tạo ra bởi cả quá trình.
Quá trình tích luỹ nguyên liệu và ý tưởng của Tử Mộc Trà bắt đầu từ ngày cô còn nhỏ, từ khung cảnh gia đình cho đến những cảm thức đầu tiên với loại nguyên liệu gia đình cô quen thuộc. Ông của nghệ sĩ trẻ từng làm thợ may, sau đó mẹ và dì bán vải lâu năm. Như lẽ dĩ ngẫu, Lem bé thích cắt dán và tương tác với nhiều loại chất liệu như một người thợ lành nghề nhờ bản năng.
Bắt gặp loại chất liệu “lạ” nhưng “quen” của đồng bào dân tộc thiểu số, Tử Mộc Trà thấy phần đời phía trước của mình như được ánh xạ qua đây. Chủ đề quen thuộc trong các tác phẩm của cô là cảnh dệt vải, đan lát, chế tác đồ thủ công đời thường của đồng bào mình ở các tỉnh vùng núi phía Bắc. Qua các chuyến thực tập thời sinh viên, cô lấy nguồn cảm hứng lớn từ các cộng đồng còn giữ nghề dệt vải từ sợi lanh.
Sợi Vàng là một trong những sản phẩm kết tinh của nguồn cảm hứng này, và cũng của chuyến hành trình cô lớn lên. Khởi đầu của nó là những bàn tay đan dệt khéo léo, và kết thúc là hoa văn đã vẹn toàn. Danh tính nghệ thuật của cô cũng thành hình tại đây, chuẩn bị cho quá trình biến hoá tiếp theo của nó.
Theo Tử Mộc Trà, cuộc đời này là vô thường. Mọi thứ liên tục đổi thay và không có hình hài nào vĩnh viễn. Mình đi theo dòng chảy và đợi những điều mình không kiểm soát được xảy ra. Khi còn học trong trường, cô thích sự ngao du, thứ trao cho nơi cô những nguồn cảm hứng bất tận. Khi đã ra trường, cô không đặt cho mình kế hoạch dài hạn và đối mặt với sự bất định. Lem xây dựng một cửa hàng nhỏ và lấy thu nhập tại đó nuôi nghệ thuật của mình.
Một sản phẩm, nhiều nhân cách
Trong tính cách của cô nghệ sĩ trẻ có một Lem Phạm của tình bạn và sự thuộc về “bầy” của những người chung sở thích, có một Tử Mộc Trà của tìm sâu cá nhân và cộng đồng trong tác phẩm. Danh tính ấy được truyền cảm hứng bởi hai tên tuổi - hoạ sĩ Vũ Đình Tuấn và hoạ sĩ Thành Phong.
Tại hai cái tên này, những lớp lang đối nghịch nhưng cùng đồng thời phát triển thể hiện rõ sự hiện hữu của mình.
Là thầy giáo trực tiếp tại khoa Đồ hoạ, Tử Mộc Trà xem nhiều tranh và chịu ảnh hưởng lớn bởi phong cách của hoạ sĩ Vũ Đình Tuấn. Có người dẫn dắt vẽ quen thuộc trên hai loại hình vô cùng khác biệt - tranh khắc gỗ và tranh lụa - Tử Mộc Trà học được sự linh hoạt ở chất liệu. Cô nhìn thấy trong một sản phẩm nghệ thuật, người nghệ sĩ đã gieo nhiều nhân cách của mình vào trong.
Hoạ sĩ Thành Phong thì cho cô sự linh hoạt về nét vẽ. Khi học trong trường, Thành Phong thành thục nét vẽ truyền thống, phân biệt rõ ràng giữa người và vật. Khi ra trường, tuy phát triển bút pháp riêng của mình, song xem tranh của anh có thể thấy sự kết hợp mượt mà giữa một bên là những nét vẽ giống như trong sách giáo khoa, một bên là sự phá cách.
Màu sắc, bút pháp, cách đặt bút, bố cục và ý tưởng. Đó là những yếu tố được Lem quan sát, hiểu được, cảm được, và làm nên “cây bút” của riêng mình.
“Mình theo đuổi nghệ thuật không phải để được nổi tiếng hay nhiều giải thưởng, mà vì mình muốn được làm nghệ thuật nhiều nhất có thể.”
Họa Kể đã theo chân Tử Mộc Trà từ những ngày đầu lên ý tưởng cho tác phẩm tham gia triển lãm gần đây, tới lúc chuẩn bị những công đoạn cuối cùng. Với Tử Mộc Trà, mỗi tác phẩm cyanotype cô đặt rất nhiều tâm huyết cho phần lên concept và câu chuyện, cùng với đó việc khắc mộc bản cũng tốn rất nhiều công sức và thời gian. Nó dường như là một rào cản nhưng được cô vượt qua một cách uyển chuyển và chỉn chu. Được biết, tác phẩm sắp đặt của Tử Mộc Trà trong triển lãm này khá “đồ sộ” – ngoài tranh vải dệt, còn có một tấm gương to và những viên sỏi được xử lý bằng phương pháp cyanotype để mô phỏng và tái tạo cảnh quan những vùng núi Bắc Bộ – nơi cô đã rong ruổi dài ngày để sống như một người bản địa và tìm cảm hứng sáng tác.
Vào kỳ 1 năm cuối ở trường Yết Kiêu, khi các sinh viên rục rịch chuẩn bị tác phẩm tốt nghiệp cuối năm, Thuỳ Dương chọn đi theo chất liệu vải và khai thác đời sống vùng cao. Lựa chọn này, theo cô, không phải cô muốn tri ân quá khứ của gia đình cô với vải vóc hay muốn truyền đạt một ý niệm cao siêu gì, mà chỉ vì muốn tái hiện đời sống vùng cao từ điểm nhìn của chính cô.
Trong một lần đi tới một khu bản vùng núi phía Bắc, cô phát hiện ra rằng trái ngược với suy nghĩ của cô, nghề làm vải và in chàm không còn được thế hệ sau đón nhận và tiếp nối nhiều. Tuy nhiên, “đâm lao thì phải theo lao", Tử Mộc Trà muốn được chuyển tải những cuộc đời nơi đó vào tranh của chính cô. Cô bày tỏ sự thích thú với chủ đề: “Dù mình không dùng vải để sáng tác mình đã thấy chủ đề này rất thú vị, và trong tương lai mình sẽ tiếp tục khai thác thêm”.
Ngoài những kế hoạch trong tương lai gần, cô cũng thổ lộ mong muốn tổ chức triển lãm cá nhân khi mọi điều kiện cho phép. Tử Mộc Trà nói rõ: “Mình theo đuổi nghệ thuật không phải để được nổi tiếng hay nhiều giải thưởng, mà vì mình muốn được làm nghệ thuật nhiều nhất có thể. Ở một chiều ngược lại, cô chia sẻ về định hướng tương lai: “Sau này nếu bán được tác phẩm, phần lớn mình cũng sẽ dùng tiền bán được mua máy in đặt ở xưởng. Từ những triển lãm chung như hiện tại tới triển lãm cá nhân sẽ là một con đường dài và mình sẽ dành hết sự tập trung và thời gian mình có”.
Những chuyến đi xa
Với xu hướng xê dịch, những chuyến đi xa, chứ không phải kiến thức hàn lâm ở đại học mới khu biệt danh tính nghệ thuật của Tử Mộc Trà thành hình hài cụ thể. Cô có sự vun đắp từ nghề vải của gia đình, có những cái tên cụ thể để quy chiếu khi nói về nghệ thuật. Nhưng chuyến đi khỏi vùng đô thị trung tâm để chạm trán với các nền văn hoá khác mới giúp cô đặt khuôn, mực và vải bên cạnh nhau và cùng chúng tạo ra thế giới nghệ thuật của riêng mình.
Trong những hành trình ấy, cô biến thành “dịch giả” giữa các lối sống, và gần gũi hơn là giữa các loại chất liệu và hình thức thể hiện. Lem chia sẻ, khi quan sát cảnh làm vải của cộng đồng dân tộc thiểu số ở Sủng Là (Hà Giang), và men theo dòng chảy buôn bán của thị trường vải vóc, đồ thủ công ở chợ Bắc Hà (Lào Cai), cô vừa ký hoạ, và ghi chép lại những gì diễn ra.
Chất liệu thô ấy cần cô tái tưởng tượng để tạo ra những phác thảo, trên giấy và Procreate. Những thử nghiệm sau đó mới bắt đầu dùng đến khắc gỗ, nhưng mọi khâu đều cần khả năng quan sát, ghi nhớ và nghiệm thân tuyệt vời.
Giống như phóng cách và nét vẽ có phần khác biệt của các nguồn cảm hứng nghệ sĩ cô có được, thì các thế giới cô từng chen chân và trở thành một phần của chúng cũng không hề giống nhau, nhưng qua tác phẩm, lại giống nhau không tưởng qua cầu nối do người làm nghệ thuật “dệt” nên.
Không khó để tìm kiếm và quan sát sản phẩm đã thành hình của Lem - Tử Mộc Trà. Song những câu chuyện cô dồn nén tại từng khuôn khắc mới gợi cho ta ý niệm về những phiên dịch và bắc cầu mà người nghệ sĩ chỉ có được khi chấp nhận đi xa để quay trở lại, học cái lạ để tạo cái quen, yêu cái quen để tôn trọng cái lạ.