Nếu không làm họa sĩ, mình sẽ làm phi công
Phạm Ngọc Thái Linh tốt nghiệp trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp và Washington State University (Mỹ). Anh hiện là họa sĩ tự do tại Hà Nội, đồng thời là Co-Founder của Nirvana Streetwear. Vì gia đình có người theo nghệ thuật nên Thái Linh được tiếp xúc với hội họa từ sớm và nhanh chóng có được góc nhìn khái quát về hội họa, nhưng với chiều suy nghĩ và tư duy thực tế, ít bay bổng hơn. Anh cũng đặt cho bản thân một mục tiêu khá cao để trở thành một “nghệ sĩ” đúng nghĩa. Chứng kiến nhiều câu chuyện xoay quanh ngành nghề hội hoạ khi vui có, buồn có đã tạo cho anh sự tò mò, thích thú và khao khát chinh phục hành trình sáng tác có phần gian truân trong mắt công chúng.
"Dù nói về nghệ thuật với niềm say mê bất tận nhưng ít ai biết rằng ban đầu, Thái Linh muốn trở thành một phi công thay vì làm một họa sĩ."
Với anh, vẽ là để vui, nên dù dành rất nhiều thời gian cho việc vẽ nhưng anh chưa từng nghĩ sẽ theo đuổi con đường nghệ thuật. Chỉ tới khi sắp thi Đại học, anh mới có ý thức rõ ràng về chuyện sẽ trở thành một họa sĩ. Với Thái Linh, cái duyên với hội họa giống như “nghề chọn người”.
Sau này khi đã nghiêm túc với nghề, nghĩ về khoảng thời gian trước, Thái Linh mới nhận ra bản thân thực sự yêu việc vẽ. Nó đến từ những điều hết sức nhỏ nhặt và đời thường như: lúc nào cũng vẽ mặc dù chỉ vẽ linh tinh, vẽ bậy lên bàn, lên sách,... Với Thái Linh, vẽ luôn là một việc làm cực kỳ nghiêm túc.
Khi bắt đầu thực hành nghệ thuật, Thái Linh cũng chọn các chất liệu như canvas, giấy. Ngoài ra, anh còn thử vẽ bằng sơn trên tường để trải nghiệm. Tuy nhiên từ năm 2019 đến hiện tại, Thái Linh chỉ tập trung vào digital painting. Với anh, đây là chất liệu đang được rất nhiều người sử dụng vì có màu sắc đa dạng, cực kỳ dễ dàng sửa lại những chi tiết chưa ưng ý, giúp anh rút ngắn được thời gian thử các tạo hình và các kiểu vẽ khác nhau. Từ đây, Thái Linh dần hoàn thiện được phong cách hội hoạ riêng biệt, qua đó dễ dàng thay đổi và thử những phong cách mới, đồng thời hội nhập với thời đại số và hoàn thiện các dự án nhanh chóng.
Bên cạnh đó, Thái Linh còn làm thêm các sản phẩm về mảng thời trang. Anh cho biết: "Mình muốn các hình vẽ của mình được đưa lên những sản phẩm mà mọi người có thể sử dụng và lưu trữ. Cảm giác khi ra đường có thể gặp được người mặc chiếc áo mà mình vẽ là vô cùng sung sướng đấy".
"Đơn giản vì mình là người Việt Nam và vô cùng thân thuộc với những chất liệu liên quan đến Việt Nam nên muốn tìm hiểu sâu về những khối tinh hoa ấy".
Thái Linh cho biết: “Vào thời điểm mình bắt đầu theo đuổi nó, chưa có nhiều người khai thác chủ đề này. Mình thấy đây là nguồn tài nguyên để sáng tác nghệ thuật cực hay ho và phong phú.
Mình rất yêu nghệ thuật và văn hoá truyền thống. Mình rất tự hào vì là người con của Hà Nội. Vậy nên không chỉ lấy cảm hứng từ nghệ thuật truyền thống, mà cả những câu chuyện và cuộc sống hằng ngày cũng luôn là cảm hứng chủ đạo để mình tạo nên các tác phẩm mang đậm quan điểm và cái tôi cá nhân".
Tìm mình qua những giấc mơ
Bên cạnh “Việt Nam” và những tư liệu cá nhân như: cảm xúc, kỷ niệm và điều anh cảm nhận được qua cuộc sống hàng ngày, Thái Linh còn lấy cảm hứng sáng tác phần nhiều từ những giấc mơ. Những sinh vật hoặc những nhân vật hiện ra đều được anh đưa vào tác phẩm. Đôi khi anh sẽ sáng tác đầy vô thức và ngẫu hứng, sau đó ngẫm lại và phân tích trạng thái tinh thần của mình qua tác phẩm. Đây cũng là cách để Thái Linh hiểu thêm về bản thân, vì anh quan niệm phong cách vẽ chính là đại diện cho con người nên vô cùng coi trọng cảm xúc, cảm nhận và góc nhìn cá nhân dù nhỏ nhất.
Thái Linh đã tạo nên "Thế giới của Đậu" - nhân vật đại diện cho anh và có mặt xuyên suốt trong các tác phẩm nghệ thuật. Nhân vật Đậu được lấy cảm hứng từ chính chú bé ôm gà trong tranh Đông Hồ. Thái Linh coi Đậu đại diện cho cái tôi và những câu chuyện, kỷ niệm của bản thân, đặc biệt là thời còn bé. Trong thế giới của Đậu, người họa sĩ có thể thoải mái vẽ ra mọi thứ, thậm chí cả những nhân vật chưa từng xuất hiện trên đời. Sống trong nhân vật này, anh được giải tỏa và chữa lành những tiếc nuối về quá khứ và thấy bản thân tìm thêm được sự đồng cảm.
Để có được những thành tựu như hiện tại, Thái Linh cũng từng trải qua không ít khó khăn. Thời gian đầu tìm tòi cách kết hợp tính cá nhân với chất liệu Việt Nam, anh có chia sẻ với bạn bè nhưng phần lớn đều không ủng hộ. Anh cho biết: "Vì lúc ấy, suy nghĩ của mọi người là truyền thống không được thay đổi, phải thế này thế kia, phải tuân theo quy chuẩn, quan niệm bất biến và rất nhiều định kiến khác".
Thái Linh cũng thừa nhận không phải sinh ra anh đã thích các sản phẩm nghệ thuật truyền thống. Để hiểu hơn về tinh hoa văn hóa Việt, anh đã phải tập xem và nghe các lối tranh xưa, nhạc cổ truyền,... từ đó dần hình thành sự yêu thích và muốn tìm hiểu.
“Việc tìm hiểu các giá trị truyền thống cũng có những rào cản nhất định. Thái Linh từng phải giấu bạn bè chuyện mình đang tập nghe tuồng hay cải lương vì từng bị trêu chọc rằng người trẻ mà nghe những tác phẩm “cũ rích, sến sẩm”, hoàn toàn không phù hợp với văn rock, hiphop,... đang du nhập và trở thành "mốt" lúc bấy giờ.”
Thế nhưng cuối cùng, người họa sĩ vẫn giữ nguyên quan điểm cá nhân trên hành trình theo đuổi nghệ thuật. Với anh, việc tìm ra một bản thể của mình trong thế giới hội hoạ cũng là một sự tìm tòi và trải nghiệm mất rất nhiều năm.
Sự hòa quyện của những cái cũ và mới
Thái Linh đã bắt đầu phát triển, trưởng thành ngay trong thời đại có nhiều nền văn hoá được du nhập vào Việt Nam. Bản thân Linh cũng được tiếp xúc với văn hoá đường phố, nơi cái tôi cá nhân của mỗi người được đề cao. Chính vì vậy việc tạo ra một phong cách kết hợp giữa thế hệ trẻ và văn hoá truyền thống là một bài toán khó mà anh đã, đang và vẫn sẽ cố gắng thực hiện. Mục tiêu lâu dài của Thái Linh là có thể đưa phong cách này trở thành thứ đại diện cho mình, mà ngay khi nhìn thấy, mọi người có thể nhận diện và công nhận anh.
Thái Linh cũng vui vì hiện tại, ngày càng có nhiều người tìm hiểu về văn hóa truyền thống nước nhà và phát triển nó. Chủ đề “Việt Nam” đã tạo được một cộng đồng theo đuổi rất lớn mạnh nhằm lan tỏa và tôn vinh các giá trị truyền thống, tinh hoa dân tộc một cách có liên kết.
Bên cạnh việc sáng tác, Thái Linh còn có sở thích chơi mô hình, xem phim, đặc biệt là hoạt hình. Ngoài ra, anh vô cùng thích xem các bộ phim tài liệu hoặc phim về cuộc đời các danh hoạ. Thái Linh lấy cảm hứng rất nhiều từ hình ảnh đời thường và cuộc sống hằng ngày của các hoạ sĩ hơn là tác phẩm của họ. Với anh, những tác phẩm là tấm gương phản chiếu cuộc sống của nghệ sĩ đó.
Là một họa sĩ, Thái Linh cũng rất hay đi xem các triển làm và đã tham gia các workshop cũng như hội thảo về mỹ thuật để học hỏi thêm cách thức làm việc, quá trình sáng tác của các “đồng nghiệp". Anh yêu hội hoạ và cũng tôn trọng những người đang sống và cống hiến cho nền văn minh nhân loại bằng những tác phẩm bộc lộ cái tôi riêng nhưng vẫn thể hiện quan điểm về đời, về nhân sinh, và về những cái nhìn, những mong muốn đối với thế giới trong phương thức hội hoạ của họ.
Trên con đường sáng tác, Thái Linh luôn học hỏi và giữ vững cái tôi của chính mình. Trong một thời đại số, nơi mà mọi thứ đều xuất hiện với tần số lặp lại thường xuyên trên mạng xã hội, Thái Linh mong có thể nhìn thấy các bạn trẻ cùng đam mê với anh có thể là chính mình, chứ không phải hình hài, tính cách của một ai khác, không phải là một bản sao hoặc chạy theo hình mẫu của một người nào đó đã xuất hiện trước đây. Anh nghĩ rằng mỗi người sinh ra đều có một hình hài riêng, tính cách và một cuộc đời riêng biệt, bạn luôn là bạn, trong chân - thiện - mỹ, để đến với cái đẹp thì trước hết là chân thật, bản ngã lương thiện.
“Vậy nên bản thể mỗi người trong thế giới nghệ thuật cũng vậy, cho dù rất có thể bạn sẽ có một vài sự trùng lặp với ai đó, nhưng ít nhất bạn cảm thấy tự tin và hạnh phúc vì những thứ mình đang làm, được xuất phát từ công sức, sự cố gắng và nỗ lực sáng tạo của chính bản thân.”