84SPACE.COM

Nguyễn Hưng: Từng có lúc muốn chết khi đang làm họa sĩ

20/10/2023
Hồng Hạnh Hồng Hạnh
Những giá trị mà quá trình thực hành nghệ thuật mang lại giúp Hưng Nguyễn có thêm cách nhìn cuộc sống mới, cởi bỏ cho anh khỏi những quan niệm, định kiến từ môi trường bên ngoài, từ đó lắng nghe được tiếng nói bên trong, đối thoại, hiểu, sau đó là chấp nhận và trân trọng bản thân.

Họa sĩ Nguyễn Văn Hưng sinh 1990 tại Bắc Ninh. Anh từng theo học khoa Sư phạm Mỹ thuật tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và thực hành chính trên hai chất liệu lụa và sơn mài. Nhưng hiện tại, anh chỉ làm việc với sơn dầu. Ngoài việc làm họa sĩ tự do, Hưng còn tham gia giảng dạy tại Đại học Kiến trúc và một số trung tâm mỹ thuật.

Phong cách nghệ thuật

Con đường đến với sơn dầu của Hưng cũng giống như con đường đến với hội họa, đều không phải lựa chọn đầu tiên. Lúc ấy với anh, sơn dầu là chất liệu tạo ra những tác phẩm hội họa kinh điển, anh thấy nó rất "đỏng đảnh" và khó chinh phục. Vì vậy sau khi ra trường, anh làm việc với lụa và sơn mài vì có cảm giác kiểm soát tốt hơn với hai chất liệu này.

Với Hưng Nguyễn, mỗi tác phẩm đều là một hành trình sống, mang trọn vẹn hơi thở của anh trong thời điểm ấy.
Với Hưng Nguyễn, mỗi tác phẩm đều là một hành trình sống, mang trọn vẹn hơi thở của anh trong thời điểm ấy.

Ngay từ năm hai Đại học, Hưng đã chuẩn bị cho hành trình nghệ thuật với định hướng theo sơn mài (anh có lựa chọn này chỉ vì những điều được nghe và đọc về chất liệu sơn mài), đầu năm hai đại học anh làm phụ việc cho một họa sĩ sơn mài. Mỗi học kỳ, anh đều dành toàn bộ tiền học bổng và tiền hỗ trợ để mua sắm họa phẩm từ sơn mài. Sau khi ra trường, anh có hai năm tập trung làm việc với chất liệu sơn mài và hoàn thành được một vài tác phẩm, tham dự triển lãm khu vực đồng bằng sông Hồng cũng được đề cử giải thưởng liên hiệp với bức "Đợi giấc mơ về". Bên cạnh đó, anh vẫn nhận vẽ tranh sơn dầu theo yêu cầu để mưu sinh và rèn luyện.

Người họa sĩ luôn tìm được niềm vui, sự cân bằng và cảm hứng bất tận khi thực hành nghệ thuật. Mỗi tác phẩm mới lại là một hành trình mới,  giúp anh khởi động lại,  khám phá được khả năng cũng như những giới hạn khác của bản thân.
Người họa sĩ luôn tìm được niềm vui, sự cân bằng và cảm hứng bất tận khi thực hành nghệ thuật. Mỗi tác phẩm mới lại là một hành trình mới, giúp anh khởi động lại, khám phá được khả năng cũng như những giới hạn khác của bản thân.
"Trong suốt quá trình thực hành sáng tác với sơn dầu, Hưng Nguyễn cảm giác đây là chất liệu đem lại sự thoải mái nhất khi làm việc, giúp anh biểu đạt mọi hiệu quả mong muốn. Quan trọng nhất là người họa sĩ có thể cảm nhận được nó."

Sau cùng, khi những khó khăn cùng hạn chế của bản thân trong thời gian thực hành với sơn mài ngày càng rõ ràng, Hưng Nguyễn nhận ra sơn dầu đem lại cho anh nhiều hứng thú hơn, cộng thêm kỹ năng sử dụng chất liệu này ngày càng tiến bộ, anh quyết định chọn sơn dầu.

Để gọi tên một tác phẩm đại diện cho bản thân, anh ngay lập tức nghĩ đến bức tranh "Mất kết nối" được anh hoàn thành vào năm 2022. Đây là bức tranh Hưng Nguyễn vẽ lâu nhất, phải chuyển qua ba không gian làm việc mới hoàn thành. Giai đoạn cuối của tác phẩm này cũng là thời điểm cuộc sống của Hưng Nguyễn có nhiều biến động và căng thẳng, anh cảm thấy cô đơn và không thể chia sẻ với mọi người xung quanh, đến mức nảy ra suy nghĩ: "Mất kết nối" sẽ là tác phẩm cuối cùng, sau đó anh sẽ tìm một công việc khác.

Tranh sơn dầu "Mất kết nối" được Hưng Nguyễn thực hiện năm 2022, Giải B triển lãm Mỹ thuật khu vực 1 - không có giải A. Thời điểm này anh chịu nhiều áp lực khi mới làm bố và phải xử lý rất nhiều chuyện gia đình. Bên cạnh đó, việc giảng dạy khiến thời gian thực hành nghệ thuật liên tục bị gián đoạn, áp lực bên ngoài về thành công, cộng thêm kinh tế không đảm bảo khiến Hưng Nguyễn bị khủng hoảng.
Tranh sơn dầu "Mất kết nối" được Hưng Nguyễn thực hiện năm 2022, Giải B triển lãm Mỹ thuật khu vực 1 - không có giải A. Thời điểm này anh chịu nhiều áp lực khi mới làm bố và phải xử lý rất nhiều chuyện gia đình. Bên cạnh đó, việc giảng dạy khiến thời gian thực hành nghệ thuật liên tục bị gián đoạn, áp lực bên ngoài về thành công, cộng thêm kinh tế không đảm bảo khiến Hưng Nguyễn bị khủng hoảng.
Hưng Nguyễn đã nghiêm túc nghĩ tới việc bỏ nghề sau khi hoàn thành tác phẩm "Mất kết nối". Tất nhiên đây chỉ là ý nghĩ nảy ra trong giai đoạn chán chường. Khi bình tĩnh suy xét lại, anh không biết nếu bỏ vẽ thì mình có thể làm gì tốt hơn. Chưa kể nhìn lại chặng đường anh đã đi, lý do anh bắt đầu, anh tin chưa đến lúc mình dừng lại.
Hưng Nguyễn đã nghiêm túc nghĩ tới việc bỏ nghề sau khi hoàn thành tác phẩm "Mất kết nối". Tất nhiên đây chỉ là ý nghĩ nảy ra trong giai đoạn chán chường. Khi bình tĩnh suy xét lại, anh không biết nếu bỏ vẽ thì mình có thể làm gì tốt hơn. Chưa kể nhìn lại chặng đường anh đã đi, lý do anh bắt đầu, anh tin chưa đến lúc mình dừng lại.

Con đường nghệ thuật

Ngay từ khi học tiểu học, năng khiếu hội họa của Hưng Nguyễn đã được bố mẹ và người thân nhận ra khi thấy những tác phẩm anh họa lại từ các hình vẽ in trên bìa cuốn vở học sinh hoặc trong sách giáo khoa của chị gái. Ban đầu, Hưng Nguyễn dùng những mẩu "son" (quê anh gọi những mẩu ngói mềm có thể bám trên nền cứng như bê tông hay kim loại là son) để họa lên mọi bề mặt có thể vẽ. Anh dí dỏm cho biết mình từng bị đánh đòn vài lần vì trò nghịch ngợm này. Chỉ đến khi bố mẹ phát hiện mặt sau trắng tinh của những cuốn lịch có thể dùng được, các nét vẽ của anh mới "yên ổn" trên mặt giấy.

Để hỗ trợ con theo đuổi hội họa, mỗi khi chở hàng tới làng làm giấy, bố mẹ Hưng đều lấy rất nhiều giấy (thường là loại giấy có màu nâu vàng, phải vẽ bằng bút bi mới có thể nhìn rõ) rồi tỉ mỉ khâu lại thành những quyển sổ cho anh vẽ. Cuối năm kiểm lại, Hưng Nguyễn đều phải bỏ đi kha khá tác phẩm vì chật nhà.

Kết quả của quá trình tập tành hội họa là năm lớp 3 (1998), Hưng Nguyễn đã đạt giải Đặc biệt của Hội thi vẽ tranh đẹp của tỉnh Bắc Ninh.
Kết quả của quá trình tập tành hội họa là năm lớp 3 (1998), Hưng Nguyễn đã đạt giải Đặc biệt của Hội thi vẽ tranh đẹp của tỉnh Bắc Ninh.
Giờ đây, Hưng Nguyễn trở thành một người giảng dạy Mỹ thuật.
Giờ đây, Hưng Nguyễn trở thành một người giảng dạy Mỹ thuật.

Tuy nhiên sau đó, vì một vài biến cố và định hướng khác cho Đại học, người họa sĩ quyết định theo học ban A. Chỉ đến khi học hết lớp 11, anh mới quyết định theo đuổi Mỹ thuật. Anh chính thức thức tham gia học tập ở một môi trường Mỹ thuật vào năm 2007, tham gia lớp ôn thi Đại học Mỹ thuật Việt Nam của họa sĩ Nguyễn Hồng Quang. Đến năm 2009, anh đỗ khoa Sư phạm Mỹ thuật tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam sau 2 lần thi.

Vào 2014, khoảng hai năm sau khi Hưng Nguyễn ra trường, anh đã làm khá nhiều việc để trang trải cuộc sống: chép tranh, sơn- sửa nhà, lợp chống nóng, vẽ tranh tường,... Anh sắp xếp quãng thời gian làm không quá dài, thường chỉ khoảng 1- 2 tuần, sau đó nghỉ ở nhà để vẽ khoảng 1-2 tháng. Để có thời gian dài nhất dành cho việc sáng tác, người họa sĩ điều chỉnh mức sinh hoạt xuống thấp nhất, ăn uống có phần kham khổ, thi thoảng còn bỏ bữa.

Tranh sơn dầu "Bạn đường" được Hưng Nguyễn thực hiện vào năm 2018 (Giải B triển lãm Mỹ thuật Thủ đô).
Tranh sơn dầu "Bạn đường" được Hưng Nguyễn thực hiện vào năm 2018 (Giải B triển lãm Mỹ thuật Thủ đô).

Có một lần sắp cạn tiền, việc liên quan tới vẽ vời không có, Hưng Nguyễn tính đi kiếm việc nhưng cứ lần nữa mãi. Kết quả là khi hạ quyết tâm phụ việc cho một người quen cùng xóm trọ làm "thợ đụng" (đụng việc gì làm việc đó) với tiền công 150k/ ngày, anh cũng đã đói run người vì phải nhịn vài bữa. Lúc này, người nghệ sĩ chợt nhận ra: thời nay, con người ta vẫn chết đói như thường.

Cũng lúc ấy, khi lái xe máy trên đường Phạm Văn Đồng, một chiếc xe lớn đi cùng chiều vụt qua rất nhanh khiến mũ bảo hiểm của Hưng Nguyễn bay ra. Anh vừa ngoái theo nhìn thì thấy một chiếc xe con khác cán qua, cái mũ nát bét. Hình ảnh chiếc mũ dập nát khiến anh bàng hoàng thông suốt: thì ra rủi ro có thể đến mọi lúc, người ta có thể chết đói, cũng có thể chết khi đang đi kiếm ăn. Và anh không muốn chết khi đang phải toan tính kiếm ăn, khi đang chuẩn bị sống. Anh muốn được chết khi đang sống. Anh tự nhủ: "Nếu lúc này cái chết tới, mình có muốn chết khi đang làm việc này không?". Sau này khi phân vân trước một lựa chọn, anh vẫn hỏi bản thân câu này.

Tác phẩm sơn dầu "Vạt nắng chiều".
Tác phẩm sơn dầu "Vạt nắng chiều".
Ngay lập tức, Hưng quyết định bỏ việc và quay về phòng trọ, ngồi trước tấm toan vẽ dở, cầm bút vẽ và chờ… chết. Anh muốn chết khi đang làm họa sĩ. May sao chiều hôm đó, một người bạn anh từ quê lên đã ghé qua mang theo đồ ăn từ nhà. Hưng Nguyễn tự nhủ: "Có lẽ mình chưa thực tới số".

Nghĩ về quãng thời gian này, Hưng bày tỏ khó khăn khi theo đuổi nghệ thuật, đặc biệt với những người trẻ mới ra trường, là nỗi lo cơm áo gạo tiền, chi phí để sống và làm nghệ thuật, làm sao để để cân bằng giữa việc kiếm tiền và việc sáng tác. Chính "tai nạn" kể trên cũng khiến anh nhận ra bản thân đã chưa làm tốt được việc cân bằng cuộc sống trong giai đoạn đó.

Lúc nhỏ, đam mê nghệ thuật với Hưng rất đơn thuần, chỉ là niềm vui khi có thể gợi lại một hình hài nào đó bằng nét vẽ. Hay trong một khoảnh khắc lơ đễnh ngẩng lên quan sát trong khi để bàn tay tự dịch chuyển theo cảm giác, người họa sĩ nhận ra ánh mắt của mọi người thay đổi theo từng chuyển động của bàn tay anh, sự thích thú khi thấy một thứ gì đó đang thành hình hiện lên thật rõ, khiến anh cảm thấy cực kỳ hãnh diện và được khích lệ.

Tranh sơn dầu "Tuổi thần tiên".
Tranh sơn dầu "Tuổi thần tiên".

Tuy nhiên sự đơn thuần này cũng trưởng thành dần theo Hưng trong quá trình thực hành nghệ thuật. Sâu bên trong, anh thấy mình chưa đủ nhận thức, còn nhiều hạn chế và thiếu kỹ năng trong nghề, những điều người họa sĩ tích lũy được trong thời gian Đại học chưa đủ giúp anh tìm ra một con đường. Điều này khiến Hưng loay hoay và hoang mang một thời gian. May mắn là những kỷ niệm, cảm xúc, niềm tin, sự khích lệ của những người thầy, người thân và bạn bè đã giúp anh phần nào xua tan đi sự hoang mang và hoài nghi bản thân, giúp người họa sĩ vững tâm hơn trên con đường theo đuổi nghệ thuật.

Trong nhiều năm kể từ khi ra trường, Hưng đã hạ thấp nhu cầu sinh hoạt cũng như hạn chế những cuộc vui cùng bạn bè để dồn kinh phí, thời gian cho việc đọc, xem, quan sát và đối thoại với chính mình. Ở thời điểm hiện tại, khi đã thích nghi tốt hơn với cách sống này, anh chủ động hơn trong việc kết nối với những bạn trẻ theo đuổi nghệ thuật, sẵn sàng chia sẻ và khích lệ các bạn nếu thấy cần.

Và khi đã vững vàng hơn về chuyên môn, khó khăn khi theo đuổi nghệ thuật lại đến từ bên ngoài, từ những trách nhiệm mà người trưởng thành phải cáng đáng. Để có thu nhập trang trải cuộc sống, anh vẫn phải làm những công việc khác. Việc phải gánh trên vai nhiều vai trò đôi khi khiến người họa sĩ cảm thấy bị giằng xé, quá tải và dần quen với việc thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng, trầm cảm.

Tranh sơn dầu "Tuổi hoa niên".
Tranh sơn dầu "Tuổi hoa niên".

Dù trải qua nhiều vất vả khi theo đuổi hội họa nhưng qua mỗi giai đoạn, những rung cảm với nghệ thuật đều mang lại cho Hưng Nguyễn những dấu hiệu khác nhau, giúp anh tiếp bước trên con đường này.

"Quan trọng nhất chính là những giá trị mà quá trình thực hành nghệ thuật mang lại, cho Hưng cách nhìn cuộc sống hoàn toàn khác với anh trước kia, dần cởi bỏ cho anh khỏi những quan niệm, định kiến từ môi trường bên ngoài, từ đó lắng nghe được tiếng nói bên trong, đối thoại, hiểu, sau đó là chấp nhận và trân trọng bản thân."

Sau khi nhận ra điều này, hành trình trưởng thành của Hưng Nguyễn mới bắt đầu. Anh biết đâu là những việc mình phải làm, đâu là hành trình mình phải đi. Mark Twain từng nói rằng "Con người ta có hai ngày quan trọng nhất trong cuộc đời. Một là ngày ta được sinh ra và hai là khi ta biết ta sinh ra trên cõi đời này để làm gì". May mắn là Hưng Nguyễn cũng gặp được nhiều người truyền cảm hứng cho anh theo đuổi hội họa. Người họa sĩ thừa nhận bản thân không biết muốn họa bút tới lúc nào, nhưng hiện tại anh đang cố gắng làm nhiều nhất có thể.

Cuộc sống đời thường

Với Hưng, vẽ chỉ là thao tác cuối cùng của quá trình sáng tác. Trước và trong khi vẽ, anh chủ yếu quan sát và suy tư về nhiều thứ. Theo anh, nghệ sĩ là công việc toàn thời gian, mọi hoạt động đều giúp bồi đắp cảm xúc, trải nghiệm, từ đó tạo ra cảm hứng, chất liệu để anh dùng cho việc xây dựng tác phẩm. Anh thích quan sát cuộc sống trực tiếp, đồng thời cũng thích đắm chìm trong suy tư, quan sát của người khác, ví dụ như thưởng thức một bức tranh, xem một bộ phim hay đọc một quyển sách. Anh cảm thấy hạnh phúc nhất là lúc tìm được sự cân bằng khi ngồi vẽ, hoặc niềm vui khi tìm thấy giải pháp cho một ý tưởng.

Thời gian rảnh rỗi, anh sẽ dành thời gian cho gia đình, nấu các món ăn…. để tận hưởng sự bình yên và thoải mái nhất có thể. Bên cạnh đó, Hưng cũng tham gia khá thường xuyên các triển lãm của hội Mỹ thuật Việt Nam, thi thoảng tham gia các triển lãm nhóm cùng bạn bè đồng nghiệp như: Năm 2023: Triển lãm Mỹ thuật khu vực 1 Hà Nội - giải B (không có giải A) với tác phẩm "Trưa ngoại ô"; Năm 2022 :Triển lãm Mỹ thuật khu vực 1 Hà Nội - giải B (không có giải A) với tác phẩm "Mất Kết Nối", Festival Mỹ thuật Trẻ, Triển lãm nhóm Kinh Bắc (2020), Triển lãm 20 năm Sư phạm Yết Kiêu (2019), Triển lãm chào mừng 20/11 cùng các nghệ sĩ- giảng viên Đại học Kiến trúc... Trong năm 2023, anh cũng gửi tranh xét duyệt tham gia triển lãm Mỹ thuật toàn quốc. Trong tương lai sắp tới, Hưng Nguyễn hứa chắc rằng sẽ tiếp tục theo đuổi hội họa với niềm đam mê sáng tạo riêng.

Một số tác phẩm của Hưng Nguyễn:

Hồng Hạnh

Tác giả bài viết

“Mong bài viết lưu giữ được một phần cuộc đời của bạn”