84SPACE.COM

Nguyễn Đình Văn: Đi tìm Tôi trong vạn vật

20/05/2023
Vũ Hoàng Long Vũ Hoàng Long
Tranh của Nguyễn Đình Văn hoà quyện thiên nhiên, con người và kế thừa di sản truyền thống để lại - từ bố mẹ và chất liệu sơn ta đậm chất Bắc Bộ.
Hoạ sĩ Nguyễn Đình Văn trong studio của mình
Hoạ sĩ Nguyễn Đình Văn trong studio của mình.

Chúng tôi gặp anh Nguyễn Đình Văn vào một buổi sáng sớm đẹp trời, sau khi đi qua trục đường chính đông nườm nượp, và trục đường làng đông không kém. Studio của anh Văn nằm ở vị trí “chạy trốn” khỏi cái huyên náo của thành phố, và cả cái huyên náo của những mỹ từ trên truyền thông mà người ta thường gán cho dân làm nghệ thuật.

Bộ quần áo anh mặc giản dị, chân tay vẫn còn lem luốc và đặc biệt là những đôi dép tổ ong dính đầy “chất liệu” của khu xưởng đầy tranh, bột màu, vỏ trứng, vỏ sò, và những nguyên liệu làm tranh sơn mài khác.

Tôi choáng ngợp trước kích cỡ của các tác phẩm đứng tên anh, với cảnh trí thiên nhiên và cây cối choán lấy tầm mắt của người thưởng thức.

“Anh Văn kiệm lời vừa vì tính cách của người nghệ sĩ này vẫn vậy, vừa vì anh muốn tranh của anh tự đưa lời tuyên ngôn của chính chúng.”
Tác phẩm Thân rừng (kích thước: 160x300cm) là bức tranh lớn nhất được Văn sáng tác năm 2019
Tác phẩm Thân rừng (kích thước: 160x300 cm) là bức tranh lớn nhất được Văn sáng tác năm 2019.

Tôi trong vạn vật, Tôi của vạn vật

Cây cối là chủ đề Nguyễn Đình Văn thường khai thác. Nhưng người thưởng thức hãy đừng nghĩ hai chủ đề này đứng độc lập, vì Nguyễn Đình Văn luôn tìm thấy được dáng dấp của con người lẩn khuất giữa những lát cắt thiên nhiên được làm cô đọng trên tấm vóc trong nghệ thuật sơn mài truyền thống. Cây cối xen kẽ với con người là một trong những series của anh.

“Những chủ đề, hay phong cách mình từng vẽ thì rất nhiều như phong cảnh, chân dung, ấn tượng, trừu tượng, v.v. Mình cũng đã từng thể nghiệm rất nhiều chất liệu khác nhau như lụa, sơn dầu, khắc gỗ, hay in kẽm.

Tuy nhiên đến khi theo đuổi hẳn sang một chất liệu chính là chất liệu sơn mài thì mình đã lựa chọn theo trường phái biểu hiện ấn tượng, đó là sự đúc kết thông qua rất nhiều sự thể nghiệm khác nhau, và chủ đề mà mình quyết định theo đuổi xuyên suốt các tác phẩm đó là về thiên nhiên, bởi bản thân mình là người rất yêu thích thiên nhiên, cây cối, động vật từ những thứ đó sẽ gắn thêm những hình tượng khác để biểu hiện ý đồ của bản thân.”

Tên tác phẩm: Hoà Mình, kích thước 90x100cm
Tên tác phẩm: Hoà Mình, kích thước 90x100cm.

Nguồn cảm hứng “nhân loại” ẩn khuất và hiển lộ từ thiên nhiên, anh Văn lấy từ hình hài của chính mình. Anh kể, trong những ngày đầu học vẽ và thực hiện tác phẩm của mình, anh quan sát bản thân trong gương. Bàn tay, khuôn mặt, hay phần lưng mà anh không thể nhìn thấy trực tiếp bằng con mắt của chính mình, đều được anh phác họa lại lên mặt giấy.

Đó vừa là sự phân tách của anh đối với chính bản thân mình, để người hoạ sĩ có thể quan sát chính anh từ “ngôi thứ ba” và thấu hiểu những gì đã làm nên Nguyễn Đình Văn cũng như nguồn cảm hứng nghệ thuật của người hoạ sĩ.

Phong cách ấy cũng thật thời thượng trong tình cảnh con người quay trở lại với sự trù phú của thế giới tự nhiên sau nhiều thế kỷ quên lãng tầm vóc của thiên nhiên trong việc xây dựng nền văn minh của họ.

“Người hoạ sĩ lúc này đi tìm “tôi” trong vạn vật.”

Nguyễn Đình Văn tự thuật về triết lý nghệ thuật của mình:

“Đối với mình nghệ thuật là sự xuất phát từ chính nhu cầu bản thân, mình luôn muốn vẽ và vẽ, như một nhu cầu tự nhiên nhất, vì vậy mình quan niệm rằng muốn vẽ được đẹp nhất thì chỉ có vẽ chính cái mà mình hiểu nhất mà cũng là nhiều thứ để mình tìm hiểu và khám phá nhất đấy chính là nội tại bản thân. Mình luôn tâm đắc 1 câu đó là “hội họa là vẽ mình”. Chính từ đó cũng là động lực để mình nghiên cứu và rèn luyện bản thân để luôn luôn có những sự thay đổi trong cách thể hiện các tác phẩm, và hi vọng sẽ tìm kiếm được những sự đồng cảm trong cách nhìn đối với người xem.”

Tên tác phẩm: Bản Thể, kích thước mỗi tấm 70x120cm, kích thước tổng thể 210x120cm
Tên tác phẩm: Bản Thể, kích thước mỗi tấm 70x120cm, kích thước tổng thể 210x120cm.

Không cần đến một bản tuyên ngôn văn tự, mà con đường nghề nghiệp anh theo đuổi, chất liệu và chủ đề anh lựa chọn, cùng bộ palette màu đặc trưng trong mọi tác phẩm của anh ngầm khẳng định lòng biết ơn của Nguyễn Đình Văn dành cho truyền thống gia đình và các giá trị văn vật bao bọc quanh anh.

Kế thừa truyền thống

Quê hương của Nguyễn Đình Văn ở làng sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội. Đây là làng nghề sơn mài truyền thống, có nghề sơn son thếp vàng, ngoài ra làm các sản phẩm sơn mài có tính ứng dụng cao.

Là chất liệu và kỹ thuật có khả năng ứng dụng cao, ta có thể tìm thấy “dấu vết” của sơn son thếp vàng ở những địa điểm lịch sử như Chùa Trăm Gian-Chương Mỹ, Chùa Huyền Kỳ-Thanh Oai, Chùa Đậu-Thường Tín, v.v. Nơi đây, hầu hết tượng Phật, tượng Thần được người xưa sử dụng kỹ thuật “hom bó”, với chất liệu bao gồm đất phù sa sông trộn với nhựa cây sơn, kỹ thuật thếp vàng, thếp bạc, phủ sơn, phủ then.

Anh Văn, và có lẽ nhiều hoạ sĩ sơn mài khác cũng sẽ nói, nghệ thuật sơn mài là cái đặc sắc của nền mỹ thuật Việt Nam. Bởi lẽ từng kỹ thuật và vật liệu sử dụng cho tranh sơn mài đều có tính cổ truyền, nội địa. Sản phẩm sơn mài cũng đặc biệt phù hợp với điều kiện khí hậu ở miền Bắc nồm ẩm. Từ một nghề dân gian trở thành hội hoạ, sơn mài những năm 1930 được các hoạ sĩ Pháp-Việt học hỏi và kết hợp với lối tạo hình và các biểu cảm chất liệu của hội họa phương Tây.

Một góc studio “lộn xộn” về cảnh quan nhưng “ngăn nắp” về nghệ thuật của Nguyễn Đình Văn Một góc studio “lộn xộn” về cảnh quan nhưng “ngăn nắp” về nghệ thuật của Nguyễn Đình Văn
Một góc studio “lộn xộn” về cảnh quan nhưng “ngăn nắp” về nghệ thuật của Nguyễn Đình Văn.

Sự ngưỡng mộ ấy với sơn mài không cần phải tái khẳng định nơi Nguyễn Đình Văn, vì anh sinh ra trong một gia đình có cả bố lẫn mẹ là những nghệ sĩ sơn mài nổi danh. Đó là hoạ sĩ Nguyễn Văn Bảng và hoạ sĩ Nguyễn Thị Tiến, từng công tác ở khoa Mỹ Nghệ trường Trung cấp Nghề tổng hợp Hà Nội.

Trong quá trình bước chân vào cuộc đời đằng sau tranh vẽ của Nguyễn Đình Văn, chúng tôi có cơ duyên được gặp cặp đôi hoạ sĩ Nguyễn Văn Bảng-Nguyễn Thị Tiến. Chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước di sản nghệ thuật và tri thức của hai giảng viên/nghệ sĩ đứng tuổi, và cũng thầm hiểu điều kiện “tạo tác” nên nhân vật của mình. Khiêm tốn với các danh xưng, bác Bảng nói mình cũng là một nghệ nhân, để tri ân tới làng nghề nơi mình sinh ra và lớn lên.

Nguyễn Đình Văn xuất thân từ một gia đình nghệ thuật
Nguyễn Đình Văn xuất thân từ một gia đình nghệ thuật.

Như câu chuyện được kể lại, dù không có sự thúc ép từ gia đình, song Nguyễn Đình Văn hiểu nghiệp nghệ thuật là điểm đến của cuộc đời anh. Lớn lên trong căn nhà kiêm studio của bố mẹ, anh được bủa vây bởi nghệ thuật của chính gia đình mình. Di sản sáng tạo lớn của anh với người bố mẹ tài hoa nằm ở kỹ thuật sơn mài được kế thừa và phát triển.

Tuy vậy, Nguyễn Đình Văn có những sáng tạo riêng của mình chứ không chịu ảnh hưởng bởi phong cách của bố mẹ. Anh nói: “Việc ở chung với bố mẹ trước đây, rồi cùng làm, cùng hoạt động với bố mẹ thì nhiều người sẽ nghĩ rằng mình sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều phong cách vẽ của gia đình. Tuy nhiên đối với mình rất khác, ngay từ đầu khi mình bắt đầu sáng tác thì tư duy sáng tác của mình đã khác biệt và đến thời điểm hiện tại thì hoàn toàn, những sáng tác của mình không bị ảnh hưởng gì bởi phong cách hội họa của bố mẹ.”

“Thứ duy nhất mình học hỏi và kế thừa từ ông bà là kỹ thuật sơn mài truyền thống và thái độ làm nghề luôn nghiêm túc, hết mình.”
Tên tác phẩm: Nắng 1, kích thước 90x120cm
Tên tác phẩm: Nắng 1, kích thước 90x120cm.

“Đối với mình mục tiêu duy nhất khi làm nghệ thuật đó là được vẽ liên tục không bị gián đoạn hay bị ngắt nhịp. Luôn luôn vẽ vì đó là nhu cầu bản thân và sẽ được mọi người công nhận cũng như yêu quý các tác phẩm của mình, để mình có thể sống được bằng nghề mà không phải làm thêm những việc khác để duy trì việc vẽ tranh” - Nguyễn Đình Văn nhắn nhủ tới chính mình, và tới những độc giả yêu nghệ thuật.

Hoạ Kể hi vọng hoạ sĩ Nguyễn Đình Văn sẽ còn gặt hái được nhiều thành tựu hơn nữa trong sự nghiệp hội hoạ của mình. Đó cũng là điều xứng đáng với số lượng và quy mô tác phẩm của anh, cũng như đặc quyền anh có nhờ kế thừa tinh túy của gia đình, quê hương.

Cùng Họa Kể chiêm ngưỡng một vài tác phẩm Sơn mài của Văn ở dưới đây các bạn nhé:

Vũ Hoàng Long

Editor in Chief

“I deliver words and worlds.”