Hoạ sĩ Lê Anh Dũng sinh năm 1991, từng theo học tại trường Đại học Kiến trúc nhưng vì niềm đam mê hội hoạ Dũng đã chuyển hướng và tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Từ khi còn ê a tập chữ đến khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam, tâm hồn của nam hoạ sĩ vẫn luôn tràn đầy say mê với hội hoạ.

"Chuyển mình vì chẳng muốn đóng khung"
Anh Dũng với bộ quần áo mộc mạc, đơn sơ, đeo một chiếc kính, chẳng có vẻ gì vội vã. Vẻ ngoài và phong thái giản dị hệt như những nét vẽ uyển chuyển bằng mực tàu. Hoạ sĩ Dũng chọn phong cách vẽ đơn sắc với chất liệu giấy Tuyên hay còn gọi là giấy Xuyến, pha cùng sợi lanh: mỏng, mịn nhưng có độ dai và bền qua năm tháng.

Khi được hỏi vì sao lại chuyển từ chất liệu sơn dầu qua chất liệu mực Tàu, Dũng nói vì mực Tàu dễ cất tiện lợi và dễ di chuyển. Còn sơn dầu nếu chưa ưng sẽ phải vẽ đi vẽ lại hoặc vẽ đè lên nhiều lần. Điều đó khiến Dũng cảm thấy khó thoả mãn với sơn dầu. Không những vậy nam hoạ sĩ cũng muốn thử những phương pháp mới, những hình thức mới để không bị đóng khung vào một điều gì đó.

Chuyển sang thực hành với giấy và mực, Dũng cảm thấy nó hợp với mình và vẫn tiếp tục thực hành trong 3 năm vừa qua. Bởi khi đặt nét mực, mình không xoá không tẩy được, cho nên cần phải cực kỳ tập trung vào từng nét bút, quyết đoán và vững tin vào bàn tay của mình. Giai đoạn bắt đầu với mực và giấy, Dũng có người hướng dẫn. Tuy nhiên, đến bây giờ thì chủ yếu là nam hoạ sĩ tự mày mò học thêm về chất liệu.

Đôi khi sáng tạo không phải là cái gì đó quá to lớn hay xa vời mà những điều nhỏ nhặt đơn giản cũng có tính nghệ thuật trong đó. Với bút lông, nước trong cùng mực Tàu và giấy Xuyến, Dũng đã tạo ra những bức tranh đơn sắc như khoảng không trầm mặc, khiến dòng suy nghĩ chậm lại. Những bức tranh tĩnh lặng, mang theo nét mực thấm qua làm nhăn tờ giấy như những nếp nhăn suy tư đang hiện hữu trong tâm trí mỗi người.

"Cất suy tư vào nét mực"
Những nét mực đều là cả một quá trình luyện bút mỗi ngày trong suốt 3 năm của Dũng. Hoạ Kể đã thử bài tập cầm bút như nam hoạ sĩ nhưng nó không hề dễ dàng như cách Dũng cầm bút hay đặt nét. Người xưa hay có câu: “Nét chữ nết người”. Tranh đơn sắc của Dũng không chỉ có sự trau chuốt, tỉ mỉ mà còn có sự kiên trì được mài giũa trong quá trình rèn bút đầy nỗ lực.

Nét vẽ ngắn, dài thể hiện trạng thái khác nhau của hoạ sĩ. Việc này cũng giống như một ngày có 24h, con người đều đi làm, đều ăn và ngủ giống nhau thì cái khác nhau của mỗi ngày là gì? Câu trả lời nằm ở các trạng thái khác nhau khi chúng ta làm những công việc được lặp đi lặp lại hàng ngày.

Từ đôi tay của Dũng, tính kiên trì, nắn nót được thể hiện qua từng sắc độ đậm nhạt của nét . Bức tranh cũng giống như cuộc sống nhưng khi cầm bút, nam hoạ sĩ cất đi mọi bộn bề cùng những khó khăn trắc trở rồi gom tất cả tĩnh lặng vào đầu bút. Phương thức này buộc Dũng thấy được sự khác nhau trong từng động tác đơn điệu mình đang làm mỗi ngày.

Quá trình cầm bút thẳng, thu bút gọn cũng là thành quả từ việc nỗ lực rèn luyện của Dũng. Khi cảm nhận được cái tĩnh từ ngòi bút, Dũng dần dần nhận ra và thấu hiểu mọi thứ xung quanh thay vì bị hút mắt vào cái tức thì. Vì vậy mà từ cách mà nam hoạ sĩ đặt bút nền nã, thư thả, ta có thể cảm nhận được cách nói chuyện và tiếp xúc với cảnh vật, với con người của Dũng - không ồn ào, vội vã.

“Bồi Giấy - Giấy Bồi”
Dũng từng đọc rằng: “Tam phần hoạ, thất phần biểu” để miêu tả sự quan trọng từ việc bồi giấy, bồi hồ. Để bồi giấy, cảm nhận nước là điều cần thiết. Một đôi tay nhạy cảm vừa phải cảm nhận độ thấm của trang giấy qua dòng nước, vừa phải điều chỉnh lực tay theo hơi thở. Dũng khiến Hoạ Kể nhận ra, không phải nhắm mắt ngồi im mới là thiền mà ta có thể thiền trong từng hơi thở và hành động.

Khoảnh khắc Dũng cảm thấy hạnh phúc nhất là quãng đường đi từ nhà đến quán Hồi. Nam hoạ sĩ bỏ qua sự hối hả xung quanh và nghĩ hôm nay mình sẽ gặp ai, sẽ có những câu chuyện gì được kể hay những câu chuyện gì được ghi nhớ lại. Dũng thực hành hội hoạ giống như việc viết nhật kí mỗi ngày. Khi mực khô, nam hoạ sĩ dùng cọ phết từng lớp hồ để cảm xúc được cô đọng lại và thấm vào giấy. Từ đây, mực và hồ là phương tiện để cảm xúc của Dũng được thành hình.

Nỗi niềm của Dũng đi ra từ hơi thở rồi tan vào trong hồ không màu, chỉ còn lại sự trong suốt của từng vệt hồ còn đang ướt trên giấy. Nét mực đã đi hay vệt hồ đã khô đều khó sửa, nó như một lời nhắc nhở nam hoạ sĩ đừng chỉ nghĩ mãi về những chuyện đã qua, hãy buông bỏ những điều không còn là phù hợp với mình. Mỗi bức tranh như dặn dò Dũng hãy luôn cẩn trọng và kiên trì với lựa chọn của mình, dù là trong hội hoạ hay trong cuộc sống.
