
Khánh Vân sinh năm 1997, khát khao nghệ thuật đã được ươm mầm khi nữ hoạ sĩ còn đi học tại trường phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam. Khi lên đại học, Khánh Vân mang theo giấc mơ hội hoạ sang Mỹ. Trải qua 4 năm du học và tốt nghiệp ngành Hội hoạ và Lịch sử nghệ thuật ở đất người, Vân cảm nhận rõ nỗi cô độc ở nơi xa lạ. Dù xung quanh luôn đông đúc nhưng Khánh Vân vẫn cảm thấy mình như đứng giữa đảo hoang không người.

Trở về Việt Nam trong sự hoang mang và đứng trước sự hoài nghi của gia đình, Khánh Vân chấp nhận lựa chọn một con đường khác mà bố mẹ đã trải sẵn. Nhưng sự kìm nén khát khao nghệ thuật bên trong đã hoá thành ngọn lửa giận dữ luôn trực chờ bùng cháy. Khoảng thời gian khi phải theo đuổi hướng đi không dành cho mình, Khánh Vân cảm thấy sự tồn tại của mình dần bị xoá nhoà khỏi hiện thực.

Sau một thời gian tình cờ có cơ hội dạy vẽ cho người đồng nghiệp, Khánh Vân phá bỏ hàng rào và bắt đầu quá trình tìm lại màu sắc trong mình. Thời gian đầu, Vân bùng phát hết tất cả sự dồn nén trong nhiều năm bằng nét cọ mạnh mẽ, tức giận. Khánh Vân lấy cảm hứng từ nội tâm phức tạp, phong phú trong mình để bắt đầu những bức tranh đầu tiên sau một thời gian dài ngừng cọ.

"Mình muốn phơi bày sự lố bịch rằng mọi người cam chịu những áp đặt giới theo quán tính hay họ thật sự lựa chọn như vậy?"
“Sân khấu trứng” được ra đời trong sự bức bối bởi những định kiến áp đặt lên Khánh Vân. Sự chịu đựng áp lực từ những người xung quanh đã được đẩy lên cao qua cách chọn màu sắc chủ đạo là đỏ.

Hoạ sĩ chọn tông đỏ rực mắt như muốn phơi bày sự lố bịch trên sân khấu khi mọi vở diễn đều hoàn hảo nhưng sự thật liệu có luôn đẹp đẽ như vậy? Bức tranh mang theo nghi vấn của chính tác giả, rằng liệu mọi người có thật sự hạnh phúc hay họ chỉ muốn người khác thấy được vẻ ngoài lành lặn của mình nhưng lại giấu đi sự tan vỡ trong tâm hồn?

Hình ảnh trừu tượng quả trứng vỡ như những tâm hồn trẻ thơ hồn nhiên đã bị bóp nghẹt trong quá trình trưởng thành, qua đó Khánh Vân cũng phơi bày nỗi đau của đứa trẻ trong nội tâm cá nhân mình. Lần đầu tiên quay trở lại với hội hoạ, tranh của Vân đã được trưng bày trong triển lãm “Chúng ta nghịch gì?” ở VCCA. Điều này như một bước ngoặt vì Vân đã chứng minh được tài năng của mình với bố mẹ, cánh cửa quay trở về hội hoạ đã dần rộng mở hơn.
“Những bức tranh sống, mượn Vân để thành hình. Đó đều là câu chuyện, một phần của Khánh Vân”

Khánh Vân chọn chủ đề phụ nữ làm trung tâm trong suốt quá trình sáng tác của mình. Tuổi thơ buộc phải trưởng thành sớm đã tạo nên mối quan tâm sâu sắc đến nỗi đau của những người phụ nữ trong gia đình. Thấu hiểu và không cam lòng trước thực trạng bất công của phụ nữ, Khánh Vân lựa chọn những gam màu đối nghịch, tương phản mạnh để thể hiện sự phân biệt giới. Bức tranh mang theo tiếng vọng buộc người xem phải phản ứng trước sự cam chịu và giằng xé trong nội tâm phụ nữ qua nhiều thế hệ.

Bố cục chặt, ngộp thở trong tranh của Vân thể hiện rằng phụ nữ đang phải chịu giằng xé giữa hai cuộc đời. Một cuộc đời khi mọi người nhìn vào sẽ thấy yên bình, hoàn hảo vì phụ nữ đã tự đeo chiếc mặt nạ của những quy tắc vô lý áp đặt lên họ. Còn một cuộc đời khi buông bỏ chiếc mặt nạ xuống thì chỉ còn lại những gương mặt thẫn thờ, trần trụi với nhiều vết nứt. Những bức tranh trực diện của Khánh Vân lột tả sâu sắc nỗi đau tinh thần của người phụ nữ phải trải qua sự khắc nghiệt khi sống giữa hai cuộc đời như vậy.

Theo Khánh Vân, màu đỏ có rất nhiều ý nghĩa. Từng sắc độ đỏ hồng đều thể hiện từng tâm tư của hoạ sĩ. Có khi là tức giận, bùng cháy, có khi là sắc tươi sống như từng thớ thịt hoặc có khi là tình yêu nồng ấm dành cho phái nữ. Sắc đỏ mượn Khánh Vân để thành hình, đánh thức tình yêu bản thân, khơi dậy tình yêu với dáng hình, cơ thể của người phụ nữ. Khánh Vân còn gửi gắm trong bức tranh sự an ủi và vỗ về tới những tổn thương mà nữ giới đang phải đối mặt.

“Vân cảm thấy mình giống như một cái cây cổ thụ, cũng có rễ cắm sâu xuống đất, cũng vươn mình mạnh mẽ như những tán cây. Khánh Vân cảm thấy trong mình có sức sống mãnh liệt”.
Ngoài những khổ tranh to mang nhiều ý niệm, Vân còn rất thích vẽ trực hoạ từ người mẫu hay vẽ ký hoạ từ tư liệu gia đình. Điều này khiến Vân thêm phần rung cảm hơn với những mảnh đời của phụ nữ. Từ nhạy cảm trong nội tâm, những thứ nhỏ bé được Khánh Vân thu vào tầm mắt, đưa vào bức tranh. Từng bức tranh như những mảnh ghép cuộc đời tràn đầy sự sống cùng tình yêu mãnh liệt của chính Vân.

Thời gian gần đây, Khánh Vân quay về tìm hiểu bên trong mình thay vì phê phán sau một thời gian dài bùng nổ ở bên ngoài. Vân dần hoá giải những bất công mà mình đã phải chịu từ thuở bé. Tính nữ trong Khánh Vân đã lớn mạnh theo thời gian và dần xoa dịu những nỗi đau Vân đã trải qua khi tuổi trưởng thành.

Tấm lòng bao dung, trắc ẩn trong Vân luôn mong có thể chở che cho những số phận buồn đau của một nửa thế giới. Tuy tình yêu sẽ không cần đến những cuộc chiến nhưng ở đâu đó vẫn sẽ cần một người đủ mạnh mẽ để lên tiếng bảo vệ người phụ nữ trước những định kiến và nỗi đau mà họ phải gánh chịu.
