84SPACE.COM

Hà Nguyên Long: Đi tìm chiều sâu của không gian trong kịch và hội hoạ

10/04/2023
Vũ Hoàng Long Vũ Hoàng Long
Nghệ sĩ Hà Nguyên Long mong muốn khán giả đến xem kịch của mình có trải nghiệm giống như thưởng thức một tác phẩm hội hoạ.
Hà Nguyên Long
Chân dung Hà Nguyên Long.

Sinh năm 1990, nghệ sĩ Hà Nguyên Long có nhiều danh xưng tương xứng với số thực hành nghệ thuật phong phú anh từng thực hiện trong sự nghiệp của mình. Anh là một đạo diễn sân khấu, nhà thiết kế không gian, và có lẽ còn là một biên kịch và hoạ sĩ tài năng. Mẫu số chung của những danh xưng này là chúng đều thuộc về một mảng quan trọng của nghệ thuật đương đại - nghệ thuật thị giác.

Trong nghệ thuật của Hà Nguyên Long, tính thị giác không đến từ một hình ảnh từ bên ngoài, thứ tạo cho anh sự ấn tượng đến độ anh phải vẽ nó lên trang giấy. Thay vào đó, Long quan tâm đến mối quan hệ giữa mình và mặt phẳng trước mặt. Anh tự hỏi những gì có thể nở rộ nơi ấy.

“Vẽ và làm kịch giống nhau ở chỗ mình tạo ra một bầu khí quyển nghệ thuật chung với người xem”

Công chúng yêu nghệ thuật thủ đô có thể đã quen thuộc với những tác phẩm của Hà Nguyên Long, như Sơn Hậu - Beyond the Mountain (2020), Những đối thoại thường nhật - Common Dialogues (2022), Giấc mơ tạo nghĩa - Signifiant Dream (2022), và Antigone - Âm Mù (2022).

Một cảnh trong vở Signifiant Dream của Hà Nguyên Long
Một cảnh trong vở Signifiant Dream của Hà Nguyên Long.

Kịch cổ điển Hy Lạp được Long dàn dựng với chất liệu của đời sống thường nhật ở Việt Nam; đơn cử như trong Antigone - Âm Mù, anh đã tạo ra thành Thebes nằm hoàn toàn trên không gian số như một sự ánh xạ với tình cảnh cách li xã hội thời dịch Covid-19.

Đối với nghệ thuật truyền thống ở nơi chôn rau cắt rốn của mình, Long dũng cảm phá cách bằng việc sử dụng các ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại, toàn cầu hoá. Sơn Hậu - Beyond the Mountain là một thử nghiệm như vậy. Vở tuồng cổ được anh đặt ở giữa một khu tập thể, với nhạc điện tử và hiphop xen lẫn với các giá trị truyền thống.

Nhưng sâu trong mình, Hà Nguyên Long không chối bỏ những liên kết rất riêng tư với hội hoạ. Trong cuộc gặp gỡ giữa tôi và người nghệ sĩ đầu 9x, anh nói: “Ở giây phút cuối đời, mình muốn là một hoạ sĩ.”

Long tốt nghiệp từ khoa Hội hoạ của trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam (trường Yết Kiêu), song con đường nghệ thuật của anh bắt đầu từ rất sớm trước đó. Là con trai của hoạ sĩ Hà Trí Hiếu, một trong những nghệ sĩ hàng đầu của thế hệ của ông, và cũng là thành viên của Gang of Five, nhóm hoạ sĩ đầu tiên của Việt Nam được ghi nhận trên trường quốc tế, Hà Nguyên Long lớn lên trong sự dung dưỡng của hội hoạ.

“Có thể mình vẽ không đẹp, nhưng mình biết mình đang làm gì trong giờ Mỹ thuật”

Tuổi thơ của Hà Nguyên Long gắn liền với căn nhà chứa đầy các tác phẩm của bố, cùng xưởng vẽ ở Văn Chương, nơi chính anh sau này dàn dựng Sơn Hậu - Beyond the Mountain. Việc bước chân vào con đường nghệ thuật của anh vừa là kết quả của một con đường tự nhiên, vừa có sự tác động một cách rất “tinh tế” từ người bố tài hoa.

Ảnh xưởng vẽ của Hà Trí Hiếu, Hà Nguyên Long
Ảnh xưởng vẽ của Hà Trí Hiếu, Hà Nguyên Long.

Hoạ sĩ Hà Trí Hiếu không để cho con gặp áp lực phải lựa chọn con đường giống mình vì muốn cậu bé ngày ấy học đều mọi môn như những người học trò đồng trang lứa khác. Nhưng thi thoảng bố anh cũng nói đùa: “Bao giờ lớn lên con vào trường này [Yết Kiêu] học nhé!”

Quả thực, người nghệ sĩ tương lai Hà Nguyên Long nhìn thấy con đường sự nghiệp của mình từ rất sớm dù không có sự thúc ép. Bên cạnh hạt mầm được gieo bởi bố, áp lực đến từ chính anh, khi anh âm thầm cảm thấy mình có kết nối tự nhiên với hội hoạ.

Nói về những năm tháng đại học, Long nhấn mạnh môi trường đó tạo cho người học một “bầu không khí nghệ thuật” thay vì chỉ đơn thuần đưa họ kiến thức khô khan. Ở trường học, anh có cảm giác rằng mình đang cống hiến điều gì đó rất cụ thể cho thứ lớn hơn mình - nghệ thuật. Đơn vị kiến thức làm anh ấn tượng nhất là về luật xa gần, hay còn gọi là phối cảnh. Tạo ra điểm tụ trong một bức tranh 2D là tạo ra ảo giác về chiều sâu, rằng thế giới mà người nghệ sĩ tạo ra không bị giới hạn bởi bốn cạnh của khổ giấy.

Nhưng học trong nước có những hạn chế riêng của nó. Hà Nguyên Long quan niệm, học vẽ là dung hợp giữa hai yếu tố: học kỹ thuật kinh điển về hội hoạ của người đi trước (làm thế nào để vẽ ra đúng một chiếc lá hay một bức chân dung), và học kiến thức nền tảng để sáng tạo bút pháp của riêng mình. Ở Việt Nam, do những biến cố lịch sử như chiến tranh, rồi sau đó là bao cấp và sự lan toả của thị trường, với những “trend” mà ta chỉ có thể chạy theo chứ không thể tự quyết định, kỹ thuật và kiến thức nền tảng không được đào tạo đến nơi đến chốn. Không có sự theo đuổi cực đoan về phía bên nào, mà cả hai mảng được dạy và thực hành một cách “lờ nhờ.”

Bên cạnh đó, các kỳ thực tập ở trường Yết Kiêu cho anh nhiều kiến thức về cuộc sống. Anh được dấn thân vào những không gian và những cuộc đời không quen thuộc.

Vì thế, Hà Nguyên Long tiếp tục nhấn mạnh về sự tự học. Anh học từ những người thầy Nga và Italia cổ điển qua sách tham khảo. Anh học từ những trải nghiệm xê dịch dần từ nơi đặt ngôi trường đại học của mình - Hà Nội, cho đến vùng ngoại tâm như Hà Giang. Nhờ việc tự tìm tòi, anh biết thế mạnh và cảm quan nghệ thuật của mình, để đến với nghề thiết kế phối cảnh (scenography) qua chuyến đi học ở Pháp của mình.

“Những khả thể nào có thể xuất hiện trên một mặt phẳng 2 chiều?”

Tiềm năng vô hạn của cây cọ và toan vẽ tranh là thứ mà ngay từ tấm bé Hà Nguyên Long đã bị ám ảnh với. Đối diện với tác phẩm hội hoạ, anh tưởng tượng rằng mình có thể xây dựng cả thế giới chỉ với một số công cụ khiêm tốn. Tâm trí anh liên tục “chạy” bên trong một thế giới trừu tượng, “nơi chiếc toan không chỉ còn là trang giấy, nó là trang giấy lớn hơn mình. Nó bao bọc lấy đầu và các giác quan của mình khiến mình cảm thấy bị hút vào trong.”

Giữa những “thế giới” còn dang dở
Giữa những “thế giới” còn dang dở.

Hà Nguyên Long quan tâm đến khoảng cách giữa người yêu nghệ thuật và tác phẩm. Anh cho rằng khoảng không đó không hề trống rỗng. Nó được ken chặt bởi vô vàn khả thể cho ý nghĩa của tác phẩm, được khán giả tạo ra bằng rung động cá nhân của mình. Nếu một người có thể nhìn thấy chiều sâu của vạn vật trên một bức vẽ 2D, thì với không gian kịch 3D, người ta có thể tạo ra sự dày dặn về ý nghĩa cho tác phẩm nghệ thuật như thế nào nữa?

Phương châm hội hoạ ấy được anh mang lên sân khấu kịch, và có lẽ cả một bộ phim ngắn sau này. Hà Nguyên Long muốn khán giả xem kịch của mình theo cách họ ngắm nhìn một bức tranh. Bố cục, màu sắc, ánh sáng, v.v. trên sân khấu đều chịu ảnh hưởng của những chất liệu anh đưa lên tranh của mình.

Quan trọng nhất, Long muốn mang đến cho khán giả sự riêng tư. Xem tranh là một thực hành như vậy khi người xem chỉ cần đối diện với tác phẩm, và không nhất thiết phải hồi đáp lại tác phẩm một cách miễn cưỡng. Tương tự như vậy với sân khấu, vị đạo diễn trẻ không muốn phá vỡ bức tường thứ tư để lôi người xem vào thế giới câu chuyện của mình. Anh muốn từ mỗi vị trí khác nhau, người xem có thể “đọc” ra “bức hội hoạ” 3D của mình. Sự cảm thụ đó không nên bị chi phối bởi logic rằng chỉ có duy nhất một tác phẩm tồn tại khách quan ở bên ngoài kia, chứa đựng trong nó một ý nghĩa duy nhất, và nhiệm vụ của khán giả phải là khai quật ý nghĩa duy nhất đó.

Tạo hình sân khấu của Hà Nguyên Long
Tạo hình sân khấu của Hà Nguyên Long.

Ở một sân khấu trình diễn 3D, người đạo diễn phải đối diện với thêm một trục nữa của không gian, và thêm chiều thời gian, thứ cho phép những chủ thể trên sân khấu chuyển động. Trong một không gian như vậy, vô vàn mặt phẳng có thể được kiến tạo, nơi hội hoạ nở rộ và mỗi khán giả có bức tranh riêng của mình. Sự kiến tạo ấy đem lại kết quả là công chúng yêu nghệ thuật tìm ra kết nối riêng của mình với nghệ sĩ và tác phẩm của họ.

“Làm portfolio cho anh thì hơi sớm quá”

Đó là câu trả lời của anh khi tôi ngỏ ý mời anh trở thành một nhân vật của Hoạ Kể. Nhưng Hà Nguyên Long cũng bật mí rằng là một phần quá lớn của cuộc đời mình, anh sẽ đầu tư cho những sản phẩm hội hoạ một cách tương xứng so với kịch nghệ. Đó là sự tri ân xứng đáng đối với dòng chảy nghệ thuật đã nuôi nấng anh từ ấu thơ. Đồng thời, Hà Nguyên Long cũng trải qua một sự định hình lại sự nghiệp và nghệ thuật của mình.

Đứng trước ngưỡng cửa đổi thay, người nghệ sĩ trẻ khiêm tốn nói với tôi rằng anh chưa thực sự có một đứa con đẻ hội hoạ nào đáng tự hào. Nếu kịch của Long thấm nhuần chất liệu hội hoạ, thì chúng ta hoàn toàn có quyền hi vọng tranh vẽ của anh sẽ mở ra một thế giới mới của những chuyển động không ngừng. Khi ấy, sẽ không là quá sớm để nói về cuộc đời, những cảm hứng, và danh tính nghệ thuật của Hà Nguyên Long.

Vũ Hoàng Long

Editor in Chief

“I deliver words and worlds.”