Hoạ sĩ Đào Thảo Phương sinh năm 1992, tốt nghiệp học viện Tài Chính năm 2014 và rẽ hướng sang hội hoạ năm 2015. Tuy là một cử nhân tài chính rẽ ngang, nhưng với Thảo Phương, vẽ là sự nghiệp trọn đời, là 1 công việc nghiêm túc mà cô dành đều đặn 8 tiếng/ngày như một công nhân viên chức đi làm hành chính.
Tốt nghiệp học viện Tài Chính và từng đi làm văn phòng đúng chuyên ngành, Thảo Phương nhận ra việc kết nối với một công việc rất quan trọng. Cô quan niệm khi trưởng thành, mỗi con người dành ít nhất 8 tiếng/ngày để làm việc, tức là gần 1/3 cuộc đời cho công việc, nên chỉ làm để kiếm tiền thì thật sự không đáng.
Thảo Phương nghĩ cuộc sống của mình cần nhiều hơn là sự ổn định tài chính - thứ mà xã hội định hướng lên mình. Ở thời điểm đó, cô nhận ra thứ mình cần là tình yêu.
Cô cần tìm một công việc mình yêu, để khi làm nó hàng ngày, cô sẽ không có cảm giác mình phải đi làm, mình phải kiếm tiền. Đã có khoảng thời gian cô đi làm kế toán vào ban ngày, tối đến lại đi học vẽ để song song trải nghiệm và tìm hiểu mình thực sự thuộc về ngành nghề nào.
Khi rẽ hướng sang làm hoạ sĩ, gia đình Thảo Phương đã rất lo lắng, điều này vô hình chung khiến cô áp lực. Vì từ nhỏ đến lớn, vẽ là một sở thích, là điều cô làm vì đam mê chứ chưa hề có một ý niệm nào về nghề nghiệp, con đường hay cái đích là trở thành họa sĩ. Của nải duy nhất Thảo Phương có để quyết định rẽ hướng cuộc đời mình chính là tình yêu và lòng can đảm, dù đôi khi cô cũng sợ hãi không biết tương lai sẽ ra sao.
Nghĩ về khoảng thời gian trước, Thảo Phương tâm sự: “Mình đã từng âm thầm, lì lợm đi học vẽ, luyện vẽ mỗi ngày để gia đình thấy được sự nghiêm túc, nỗ lực của mình với hội hoạ. May mắn đến thời điểm này, mình vẫn hài lòng về quyết định ấy và cảm thấy không có gì để hối hận. Mình chỉ hơi nuối tiếc vì không nhận ra đam mê thực sự với hội hoạ sớm hơn”.
Cơ duyên rẽ ngang sang hội họa của Thảo Phương đến vào năm 2015, khi cô đến xem triển lãm tranh của hoạ sĩ Nguyễn Ngọc Dân. Khoảnh khắc ngắm nhìn những bức họa của người họa sĩ kỳ cựu, cô đã rất choáng ngợp và lập tức xin chú nhận mình làm đệ tử. Dù hoạ sĩ Nguyễn Ngọc Dân lúc ấy không mở lớp dạy học, nhưng nhận ra khao khát với hội hoạ của cô, chú đã chấp nhận và chỉ dẫn tỉ mỉ cho cô trong quá trình luyện tập miệt mài suốt 4 năm.
Trên hành trình theo đuổi hội hoạ, đôi khi Thảo Phương cảm thấy đơn độc vì thường chỉ vẽ tranh một mình, khiến năng lượng của cô ‘lúc lên lúc xuống’. Vì vậy trong 2 năm gần đây, cô quyết định gia nhập 42studio - câu lạc bộ được thành lập bởi những họa sĩ trẻ có cùng đam mê. Mỗi cuối tuần, mọi người sẽ ngồi lại vẽ cùng nhau. Tuy mỗi cá thể vẫn làm việc độc lập, nhưng được hoạt động trong cộng đồng, được cùng tập thể làm việc và tổ chức triển lãm đã giúp cô có động lực hơn trong sáng tác.
Mong muốn khơi gợi niềm vui, nỗi buồn của người xem qua tranh một cách dịu dàng nhất
Tâm sự với Hoạ Kể, Thảo Phương cho biết mình là một người hướng nội. Cô cảm thấy cuộc sống đô thị không phù hợp với mình, nó ồn ào và khiến cô kiệt sức khi ngày nào cũng di chuyển gần 20km vì công việc. Cô cảm thấy thoải mái hơn khi được hòa mình với thiên nhiên, những khi leo núi và tách biệt với sóng điện thoại hay mạng xã hội. Nữ họa sĩ thích cảm giác được kết nối trực tiếp với cây cối, đất đai, mây trời,... - đây cũng chính là nguồn cảm hứng lớn có trong các tác phẩm của cô. Tuy nhiên, Thảo Phương hiểu rằng mình không thể chối bỏ cuộc sống thực tại nơi thành thị, nên cô cố gắng tái tạo thiên nhiên trong trên tranh, như một cách níu giữ cho riêng mình.
Ôm ấp trong lòng một tình yêu với thiên nhiên, Thảo Phương ấp ủ riêng một loạt tranh mang chủ đề cây cối. Niềm cảm hứng ẩn sau loạt tác phẩm này đến từ một chuyến đi Ninh Bình, khi cô tình cờ gặp một hàng cây với đủ hình dáng khác nhau tựa như những hình dáng, tính cách khác nhau của con người. Nhìn gần hơn vào nội tại bản thân, nữ họa sĩ cảm thấy mình cũng giống như một cái cây, dù ngày ngày chăm chỉ làm tốt việc của mình thì vô hình chung vẫn đóng góp giá trị cho cộng đồng hội họa.
“Vẽ với mình chỉ đơn giản là chia sẻ những cảm xúc, những điều khiến con tim mình rung động, từ đó khơi gợi niềm vui hay nỗi buồn qua tranh cho người xem một cách dịu dàng nhất”.
Thảo Phương luôn muốn truyền tải trọn vẹn nhất những điều làm cô rung động thông qua từng tác phẩm, từ đó giao tiếp với người xem theo cách riêng. Nữ họa sĩ chia sẻ: “Mình đơn giản là vẽ cho bản thân và mong muốn có thể chia sẻ những cảm xúc, những điều khiến con tim mình rung động qua từng bức tranh, chứ không truyền tải thông điệp gì quá to tát.
Với mình, hội họa có sức mạnh về ngôn ngữ hình ảnh và màu sắc rất lớn. Mình không muốn nó chỉ đơn thuần là minh hoạ cho một chủ thể hay khung cảnh nào, mà muốn gián tiếp khơi gợi niềm vui, nỗi buồn qua tranh cho người xem một cách dịu dàng nhất, nhẹ nhàng nhất, dù không biết nó có thực sự chạm được vào người xem hay không”.
Tương quan giữa các sắc độ màu sắc đẹp tựa như những bản nhạc cổ điển
Với Thảo Phương, chất liệu hay kỹ thuật chỉ là phương tiện để tạo nên tranh. Trong một khoảng thời gian nhất định, nếu thích chất liệu nào cô sẽ sử dụng chất liệu đó, chứ không tập trung vào một loại cố định. Điều cô muốn là có thể hiểu được loại chất liệu đó có thế mạnh gì, từ đó lựa chọn loại chất liệu phù hợp nhất với tác phẩm để họa lên đối tượng, chủ đề mình mong muốn.
Phong cách riêng trong hội hoạ của Thảo Phương đến từ góc nhìn riêng của cô khi xử lý những yếu tố như bố cục, màu sắc. Thảo Phương cảm thấy tương quan giữa các sắc độ màu sắc như những bản nhạc cổ điển gắn liền với tuổi thơ của mình; những đoạn nhanh, chậm, du dương trên phím đàn như những nét dày, mỏng, đôi khi là khoảng trống, có đoạn màu tối, có những điểm nhấn tạo sức hút linh hoạt cho bức tranh.
Về phần ngôn ngữ chung trong các tác phẩm, Thảo Phương cho biết mình làm tốt nhất là phần màu sắc. Còn vào mỗi loại chủ đề tranh sẽ có một nét riêng cố định tùy vào thời điểm cô vẽ nó. Với tranh thiên nhiên là cách giải tỏa cảm xúc, với tranh tĩnh vật hay vẽ người là kĩ thuật nhưng cũng phần nào thể hiện sự kết nối của cô với người mẫu, vì cô muốn người xem tranh không chỉ xem nhân vật được vẽ mà còn có thể cảm nhận được cả cảm xúc của nhân vật ở khoảnh khắc ấy.
“Làm nghệ thuật như ‘đãi cát tìm vàng’, nhưng chỉ cần đi, nhất định sẽ tới”
Thảo Phương cho biết con đường làm nghệ thuật trước nay luôn đầy rẫy khó khăn, đặc biệt làm tranh nghệ thuật rất khác với tranh thương mại, vì chủ yếu người làm tranh nghệ thuật sẽ vẽ cho bản thân trước, nên chưa chắc điều họ quan tâm đã là điều người xem quan tâm.
“Làm nghệ thuật thực sự không đơn giản, vì mỗi người nghệ sĩ đều đang trong hành trình thực hành và tìm kiếm, mình không biết cái đích của mình là gì, hệt như việc “đãi cát tìm vàng”.
Nữ họa sĩ cho biết: “Người nghệ sĩ sẽ chẳng hề biết trước được bao giờ hành trình của mình mới có kết quả. Đôi khi, nó khiến mình hoang mang, buộc phải tự vấn về khả năng của mình. Chỉ có rèn luyện hàng ngày, sau một khoảng thời gian mới có thể nhìn ra điểm dở, tập trung vào điểm hay để khai thác.Nếu kiên trì bền bỉ, rồi sẽ có điều gì đó sẽ xảy ra, hệt như việc leo núi, dù không biết bao giờ tới đỉnh, nhưng chỉ cần đi, nhất định sẽ đến”.
Thảo Phương giữ vững sự kiên định và nghiêm túc của mình với hội họa bằng cách phân bổ công việc vẽ tranh, xem tranh luân phiên nhau. Cô không bị động ngồi đợi cảm hứng tới và để thời gian chết. Cũng có thời điểm nữ họa sĩ mất phương hướng, nhưng cô tin chỉ cần kiên trì vẽ thì sẽ có những điều mới mẻ xuất hiện. Với Thảo Phương, dù không toan tính hay suy nghĩ quá nhiều về những kế hoạch lớn lao trong tương lai, nhưng cô sẽ cống hiến cho hội họa bằng cách ngày ngày chăm chỉ với việc vẽ tranh, sáng tác bền bỉ.