Qua một bài phỏng vấn ngắn của Cổ động và MV “Bóng” của Doãn Hoài Nam - tác phẩm do chính tay cô sáng tác, tôi biết đến Chên. Nữ nghệ sĩ có tên thật là Phương Trinh, “Chên” là cái tên được các bạn trong lớp học hội họa ở đặt cho cô. Sau này, cô lấy “Chên Chên” làm nghệ danh để lưu giữ lại kỷ niệm đẹp một thời.
Hành trình đến với hội họa
Dù không có ai trong gia đình theo nghệ thuật, Chên đã sớm bộc lộ đam mê từ lớp 1, khi tham gia một số cuộc thi vẽ. Thế nhưng, giấc mơ của cô chỉ dừng lại ở đó, chưa có gì chắc chắn.
Chỉ khi đứng trước ngưỡng cửa Đại học, cơ duyên với nghệ thuật của Chên Chên mới thực sự quay trở lại. Ôm trong lòng sự hoang mang vì không biết lựa chọn gì cho tương lai, cô may mắn được bạn thân rủ luyện thi vẽ cùng nhau. Khoảnh khắc ấy, mục tiêu về tương lai của Chên Chên mới rõ ràng hơn. Hạnh phúc nhân đôi khi hai người cùng thi đỗ vào trường Đại học Kiến trúc Tp.HCM với chuyên ngành Thiết kế đồ họa.
Lúc mới bắt đầu theo đuổi minh họa, Chên Chên thể nghiệm trên Digital hoàn toàn, vì đó là lựa chọn gần gũi nhất dành cho cô lúc đó. Nhưng hiện tại, khi có nhiều thời gian, không gian và điều kiện hơn, Chên Chên chọn sáng tác trên các chất liệu khác như acrylic và sơn dầu, tùy theo chủ đề và cảm xúc cá nhân của mình.
“Cả Illustration và tranh sơn dầu đều mang lại cho Chên Chên những trải nghiệm tuyệt vời về mặt cảm xúc. Chính vì thế, cô không nghiêng hẳn về hình thức nào”
Cá tính dịu dàng ẩn sau người nghệ sĩ
“Blooming inside” - “Khi bạn là chính mình, những người bạn chân thành và những thứ thật lòng sẽ đến vì bạn là bạn”
Khi được hỏi về một tác phẩm đại diện cho nghệ thuật cá nhân, sau rất nhiều phân vân, Chên Chên chọn “Blooming inside” để thể hiện cá tính của mình.
Chên Chên tạo ra “Blooming Inside” trong khoảng thời gian cô vừa rời Sài Gòn và chuyển về Buôn Ma Thuột. Việc từ bỏ một thành phố lớn, với nhiều cơ hội phát triển để về một mảnh đất bình yên hơn khi còn quá trẻ, đã khiến cô đắn đo tự hỏi: "Liệu mình làm có đúng không?". Không mất nhiều thời gian để Chên Chên nhận ra đây mới là cuộc sống mà mình muốn, một cuộc sống vừa đủ. “Blooming Inside” như một câu trả lời cho sự đắn đo và hoang mang trước đó của Chên Chên.
“Với Chên Chên, sự cô đơn không phải một điều tiêu cực, mà là cơ hội để ta đứng cạnh chính mình nhiều hơn, hiểu được bản thân hơn. Và ai trong chúng ta, là bạn hay là tôi, đều đặc biệt và có một thế giới đẹp đẽ ẩn trong mình.”
Nghệ thuật là để xoa dịu, để mơ mộng, không phải để khổ đau
Chên Chên thích tông màu Hồng từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường vì nó làm cô thấy dễ chịu.
“Thế nhưng Chên Chên luôn không muốn cho người khác biết sở thích của mình vì màu Hồng gắn với sự điệu đà, trẻ con, thậm chí các bạn xung quanh còn coi đây là tông màu ‘sến’, trêu chọc khi cô mang một món đồ màu hồng.”
Khi lên Đại học, bước vào ngôi trường với nhiều người bạn cá tính, Chên Chên mới không ngại thể hiện sở thích của bản thân. Cô dần dần “được biết đến” bởi tông màu hồng. Việc sử dụng màu hồng không chỉ là sở thích, mà còn là cách cô nhắc bản thân hãy luôn là chính mình, đừng giấu đi những điều đẹp đẽ và khác biệt bên trong chỉ vì sợ người khác phán xét.
Là một nghệ sĩ, Chên Chên không đặt quá nhiều áp lực trong việc sáng tác. Phần lớn một ngày của cô trôi qua không vội vã. Dù nhiều việc hay ít việc, cô vẫn có cảm giác thảnh thơi, tự do tận hưởng sự bình dị ở hiện tại. Có ngày Chên Chên không vẽ gì cả, có ngày lại vẽ từ sáng tới tối. Trong quá trình sáng tạo, nữ nghệ sĩ luôn nhắc nhở bản thân hãy thành thật với cảm xúc, không phán xét chính mình và thoải mái tạo ra những thứ mình thích trước, sau đó gọt giũa để tạo thành tác phẩm hoàn thiện sau.
Chên thường sáng tác khi buồn. Mỗi bức tranh của Chên Chên thể hiện một giai đoạn khác nhau của nữ nghệ sĩ. Nỗi buồn trong bức tranh của cô luôn song hành với niềm vui, tồn tại như hai mặt của một đồng xu, đôi lúc lật ngửa bởi mặt này, đôi lúc là mặt kia. Cô lưu lại những bức tranh buồn ấy vì không muốn chối bỏ phần nào của cuộc sống, tìm cách sống cùng nó mà không lấp đầy mình bằng những điều tích cực giả dối.
Chên thừa nhận mình là một người nhạy cảm. Với nữ nghệ sĩ, nhạy cảm chính là sự may mắn, là một món quà giúp cô cảm nhận sâu sắc hơn về mọi điều xung quanh.
Giống như các nghệ sĩ khác, khi mới theo đuổi nghệ thuật, Chên Chên cũng gặp nhiều khó khăn. Cô thừa nhận, đa phần những áp lực đó đều do bản thân tạo ra. Bản thân cô đã vội vàng tự đặt ra những trách nhiệm quá lớn và bị tâm lý sợ bị phán xét đè nặng.
“Vậy thì tại sao mình lại mang áp lực vào trong nghệ thuật đẹp đẽ này?”
Chên Chên tự hỏi, tự hành động để trả lời. Cô muốn bảo vệ con đường nghệ thuật mà mình theo đuổi, muốn bước đi một cách nhẹ nhàng nhất có thể, không khoác lên nghệ thuật những trách nhiệm lớn lao nữa. Vì với cô, nghệ thuật là để xoa dịu, để mơ mộng, không phải để khổ đau...